5 lý do gây ra "Ngày thứ Hai đen tối"

Theo vnexpress.net

Phiên giao dịch hôm qua được giới phân tích so sánh với "Ngày thứ Hai đen tối" năm 1987, khi Dow Jones mất tới hơn 22%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hiệu ứng bắt đầu từ Trung Quốc, khi Shanghai Composite Index mất 8,5% - mạnh nhất từ năm 2007. Chứng khoán các nền kinh tế lớn trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng lao dốc theo. Sang phiên châu Âu, chỉ số FTSE 100 (Anh) có lúc giảm tới 6%, biến 24/8 thành một trong những phiên giảm điểm kỷ lục của FTSE 100. Trong khi đó, CAC40 (Pháp) chốt phiên giảm 5,35%, còn DAX (Đức) mất 4,7%.

Thị trường tiếp tục trở nên hoảng loạn trong phiên Mỹ, khi Dow Jones mất tới 1.000 điểm chỉ trong 10 phút sau khi mở cửa. Đến giữa phiên, chứng khoán Mỹ hồi phục phần nào. Tuy nhiên, đà bán trở lại mạnh sau đó đã khiến Dow Jones có phiên sụt giảm mạnh nhất 4 năm, còn S&P 500 mất gần 4%. Đây là là phiên mất điểm thứ 5 liên tiếp của phố Wall.

Giá các loại hàng hóa hôm qua cũng không tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực. Dầu thô WTI hôm qua mất gần 4%, xuống đáy 6 năm mới. Bạch kim cũng giảm 3% và palladium xuống đáy 3 năm tại 564 USD một ounce. Trong khi đó, giá vàng chỉ giảm nhẹ 0,5%.

Theo CBS News, nguyên nhân đầu tiên gây chao đảo thị trường hôm qua là sức khỏe nền kinh tế lớn nhì thế giới - Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bình ổn chứng khoán, thị trường Trung Quốc vẫn lao dốc. Bên cạnh đó, động thái phá giá nội tệ của Bắc Kinh ngày 11/8 càng làm dấy lên lo ngại tình hình tại đây còn tệ hơn dự báo.Cuối tuần trước, Bắc Kinh còn nhận thêm thông tin tiêu cực về hoạt động sản xuất trong nước.

Điều người ta quan tâm không chỉ là Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhì thế giới. Nhu cầu tại nước này suy giảm đã đẩy giá tất cả hàng hóa, từ sắt, đồng, dầu, đi xuống. Đây là đòn gián mạnh lên các nước xuất khẩu. Trong khi đó, động thái phá giá tiền tệ của nước này lại châm ngòi cho hoạt động tương tự tại nhiều quốc gia, làm xáo trộn thị trường tài chính và lan truyền mối lo chiến tranh tiền tệ.

Nguyên nhân thứ hai là giá dầu lao dốc. Dầu thô mất giá mạnh tháng trước đã trở thành mối quan tâm lớn của nhà đầu tư. Hôm qua, giá dầu WTI tại Mỹ đã lập đáy 6 năm mới, khi xuống dưới 40 USD một thùng. Nếu còn tiếp tục giảm, nó sẽ kéo chỉ số S&P 500 xuống theo, do các công ty năng lượng và khoan dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số này. Cổ phiếu các hãng này đã mất 35% trong 12 tháng qua.

Một yếu tố khác kéo tụt giá cổ phiếu Mỹ hôm qua là lợi nhuận doanh nghiệp yếu, do người dân tiết kiệm chi tiêu. Trong quý II, hệ số lợi nhuận các công ty trong S&P 500 trên giá cổ phiếu (EPS) chỉ tăng 0,07% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất 6 năm qua.

Nguyên nhân kỹ thuật cũng góp phần vào đà giảm này. Rất nhiều nhà đầu tư chọn cổ phiếu dựa trên triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, số khác lại dựa vào các thông số kỹ thuật để ra quyết định. Và tuần này lại đúng thời điểm họ nhận được tín hiệu bán.

S&P 500 và Dow đã phá vỡ nhiều ngưỡng kỹ thuật quan trọng gần đây. Đầu tiên là mốc trung bình trượt 200 ngày, đã bị phá xuống thứ Năm tuần trước. Hôm đó, cả hai chỉ số đều mất 2,1%. Điều này đã châm ngòi cho đà bán tháo phiên hôm qua.

Yếu tố cuối cùng được giới phân tích đưa ra là sự mập mờ về thời điểm tăng lãi suất tại Mỹ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã ra tín hiệu do nền kinh tế đang cải thiện, họ có thể tăng lãi suất sớm nhất vào tháng sau. Nhiều năm nay, nhà đầu tư đã dự báo thị trường sẽ giảm mạnh sau khi FED nâng lãi. Lãi suất được duy trì gần 0% từ sau khủng hoảng tài chính được cho là đã giúp chứng khoán Mỹ tăng mạnh.

Tuy nhiên, tuần trước, họ lại nhận được tín hiệu ngược lại. Biên bản phiên họp chính sách tháng 7 của cơ quan này cho thấy quan chức vẫn còn lo ngại sự suy giảm tại Trung Quốc có thể gây nguy hiểm cho kinh tế Mỹ. Nhà đầu tư tỏ ra lo lắng liệu điều này có nghĩa nền kinh tế Mỹ dễ bị tổn thương, và bắt đầu bán cổ phiếu. Dù vậy, trong tuần này, họ sẽ có thêm thông tin về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới khi Chính phủ công bố GDP ước tính quý II.