Nguy cơ lợi dụng bitcoin để rửa tiền

PV.

Ngoài các tiện ích như nhanh, tiết kiệm chi phí thì giao dịch bằng tiền ảo (bitcoin) tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi tính chất phức tạp của nó là ẩn danh. Với lợi thế ẩn danh mà đồng tiền này đã tiếp tay cho tội phạm thực hiện các hành vi trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp.

Bitcoin – Công cụ hoàn hảo cho tội phạm rửa tiền

Tại Việt Nam, hiện có nhiều sàn tài chính sử dụng đồng tiền ảo bitcoin như Airbitclub, Bitkingdom, BMW… Một số mô hình cho nhận tài chính sử dụng tiền Việt Nam hoạt động tương tự như M5, G5, Ex101, sm99, srow…

Các sàn có điểm chung là cho nhận tài chính thông qua đồng bitcoin, hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền người sau trả cho người trước. Bản chất là đa cấp biến tướng, đưa ra chiêu trò lãi suất khủng từ 30-80%/năm. Hình thức kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam diễn ra tự phát, các cá nhân tự đứng ra mua đi, bán lại các đồng tiền ảo mà không đăng ký với bất kỳ cơ quan quản lý nhà nước nào.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch. Thêm vào đó, việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Tính riêng 8 tháng đầu năm 2017, công an đã phát hiện ít nhất 7 vụ cá độ bóng đá với số lượng tiền giao dịch khoảng 3.000 tỷ đồng. Hầu hết các vụ việc bị bóc gỡ đều có đặc điểm là, các đối tượng dùng hình thức chuyển tiền qua khâu trung gian.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, việc sử dụng đồng tiền bitcoin để giao dịch, đặc biệt là những giao dịch lớn, sẽ tăng nguy cơ lợi dụng lỗ hổng để vi phạm, trong đó không loại trừ khả năng rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Các đối tượng có thể đổi tiền đồng sang tiền bitcoin rồi thông qua các ví điện tử chuyển tiền ra nước ngoài trong nháy mắt mà không mất một đồng lệ phí. Hình thức này thuận tiện và rẻ hơn rất nhiều so với việc chuyển khoản qua ngân hàng phải mất từ 40-50USD. Phí chuyển tiền qua ví điện tử có khi chỉ 0 đồng. Cách làm này tạo lỗ hổng cho việc rửa tiền, chuyển tiền từ Việt Nam sang các nước khác để mua bất động sản, tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp khác.

Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã lợi dụng điều này để trốn thuế bằng cách giao dịch thông qua đồng tiền ảo bitcoin, đặc biệt đối với các đơn vị xuất nhập khẩu. So với trước đây, ngoại tệ được chuyển qua lại trong và ngoài nước thì rất dễ phát hiện sai phạm, còn thông qua đồng bitcoin lại quá “đơn giản và bí mật”.

Thanh toán bằng bitcoin là hành vi bị cấm tại Việt Nam

Ngày 28/10/2017, NHNN Việt Nam đã phát đi thông báo: Việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam. Theo đó, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và ngân hàng cũng quy định cụ thể: Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đặc biệt, tháng 2/2014, NHNN đã khẳng định bitcoin không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Đồng thời, cảnh báo người sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo không được pháp luật Việt Nam bảo vệ.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội về vấn đề đồng tiền ảo bitcoin chiều 16/11/2017, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trên thế giới, một số nước cấm tuyệt đối giao dịch bitcoin. Một số nước không cấm giao dịch nhưng không xem bitcoin là phương tiện thanh toán, đồng thời khuyến cáo về sự rủi ro của đồng tiền ảo này. Tuy nhiên, một số nước vẫn xem bitcoin là phương tiện thanh toán.

Với Việt Nam, "bitcoin không phải phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng bitcoin là phương tiện thanh toán là không đúng quy định pháp luật hiện hành" - Thống đốc khẳng định.

Thống đốc NHNN cho hay: Hiện nay, nhìn nhận bitcoin dưới góc độ là một tài sản, hàng hóa thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo giao cho các bộ, ngành, trong đó Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu đề án về các khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo, tài sản ảo, trong đó có bitcoin. NHNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp dưới góc độ quản lý nhà nước về tiền tệ để có cơ sở pháp lý quản lý bitcoin.