Nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại mới giữa Mỹ và Ấn Độ

Theo Hồng Quân/thoibaonganhang.vn

Hoa Kỳ đang cố gắng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại (CTTM) với Trung Quốc, nhưng căng thẳng giữa Mỹ với một nền kinh tế lớn khác lại đang gia tăng, đó là Ấn Độ.

Căng thẳng giữa Mỹ với một nền kinh tế lớn khác lại đang gia tăng, đó là Ấn Độ. Nguồn: internet
Căng thẳng giữa Mỹ với một nền kinh tế lớn khác lại đang gia tăng, đó là Ấn Độ. Nguồn: internet

Căng thẳng giữa New Delhi và Washington đã gia tăng trong những tháng gần đây khi chiến lược "Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" của Tổng thống Donald Trump đụng độ với chiến dịch "Make in India" của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Harleys, Whisky và thâm hụt 20 tỷ USD

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích việc áp thuế của Ấn Độ đối với hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm như các dòng xe máy của Harley-Davidson. Tháng trước, ông Trump cũng đã nhắc đến mức thuế quan 150% của Ấn Độ đối với rượu whisky nhập khẩu. “Ấn Độ đang áp thuế rất cao. Họ đánh thuế với chúng ta rất nhiều”, ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng.

Chính quyền Mỹ có thể đang chuẩn bị thắt chặt thương mại với Ấn Độ. Theo Reuters, các quan chức Mỹ đang xem xét loại bỏ Ấn Độ khỏi một chương trình cho phép nước này xuất khẩu các hàng hóa như đồ trang sức, phụ tùng xe và động cơ điện trị giá 5,6 tỷ USD mà được miễn thuế quan của Mỹ. Đó chính là Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP) được Mỹ đưa ra từ năm 1976 nhằm giúp các quốc gia đang phát triển tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng Mỹ.

Theo dữ liệu của chính phủ Mỹ, Ấn Độ chính là nước được hưởng lợi lớn nhất trong năm 2017 theo chương trình này. Washington năm ngoái tuyên bố sẽ xem xét lại điều kiện của Ấn Độ trong tham gia GSP, sau khi có các khiếu nại từ nông dân và các nhà sản xuất thiết bị y tế Mỹ cho rằng thuế quan của Ấn Độ đã làm tổn hại đến xuất khẩu của họ.

Một trong những mục tiêu lớn của Tổng thống Trump là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Theo cơ quan thống kê Mỹ, Ấn Độ đã xuất khẩu hàng hóa với tổng trị giá hơn 50 tỷ USD sang Hoa Kỳ vào năm ngoái, trong khi nhập khẩu các sản phẩm của Hoa Kỳ trị giá khoảng 30 tỷ USD. Mặt khác, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lại muốn thu hút thêm nhiều nhà sản xuất nước ngoài vào Ấn Độ. Bất cứ điều gì khiến việc tiếp cận thị trường Mỹ trở nên khó khăn hơn có thể khiến các NĐT lo ngại khi ông Modi đang bắt đầu chiến dịch vận động cho nhiệm kỳ thứ hai.

Theo Jason Yek, nhà phân tích rủi ro quốc gia tại Công ty nghiên cứu Fitch Solutions, việc Mỹ xem xét loại bỏ các nhượng bộ thương mại cho hàng hóa Ấn Độ sang Mỹ có thể gây ra những tác động gia tăng, như có thể làm giảm sức hấp dẫn của Ấn Độ như một trung tâm của ngành sản xuất. “Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng trong những năm tới”, chuyên gia này nhận định.

Hiện Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Thương mại Ấn Độ đều không đưa ra bình luận về khả năng loại bỏ Ấn Độ khỏi chương trình GSP. Theo Rajat Kathuria, Giám đốc Hội đồng nghiên cứu về quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ, một phần điều này có thể được hiểu là liên quan đến chiến lược đàm phán.

Theo đó, có những vấn đề được nêu ra để tiến đến quá trình đàm phán thực sự. Nhưng GSP cũng không phải là nguồn cơn duy nhất của những căng thẳng. Ấn Độ là một trong số quốc gia bị Mỹ áp thuế thép và nhôm trong năm ngoái. Để trả đũa, Ấn Độ cũng đã công bố các mức thuế đối với hàng hóa trị giá 240 triệu USD của Mỹ, dù hiện vẫn chưa áp dụng.

Đến nỗi đau của Amazon và Walmart

Những hạn chế đối với hai công ty lớn nhất của Mỹ cũng có thể là một điểm nhấn quan trọng khác trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên. Từ đầu tháng này, các quy định mới mà New Delhi đưa ra với mục đích ngăn chặn các nhà bán lẻ toàn cầu như Amazon và Walmart có thể sử dụng sức mạnh tài chính và quy mô của mình để giảm giá ở Ấn Độ chính thức có hiệu lực.

Amazon đã cam kết đầu tư hơn 5 tỷ USD vào hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ, trong khi vào năm ngoái, Walmart đã chi 16 tỷ USD để thâu tóm Flipkart - nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Ấn Độ. Cả hai công ty đã yêu cầu đẩy lùi thời hạn của các quy định mới này để họ có thêm thời gian tuân thủ nhưng đã bị chính phủ Ấn Độ từ chối dưới áp lực từ các doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước.

Nhiều thông tin cho biết Chính phủ Mỹ đã nỗ lực vận động hành lang để Ấn Độ nới lỏng các quy định này và bảo vệ các khoản đầu tư của Walmart và Amazon. Các nhóm thúc đẩy kinh doanh Mỹ - Ấn Độ đã chống lại các quy định hạn chế thương mại điện tử ở Ấn Độ.

Như Diễn đàn đối tác chiến lược Mỹ - Ấn gọi các quy định này là “bước thụt lùi”, trong khi Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Ấn cảnh báo về “những hệ lụy có hại” của các chính sách mới. Ngoài ra, việc Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch yêu cầu các công ty như Facebook hay Google phải lưu trữ dữ liệu của người dùng Ấn Độ tại quốc gia này cũng đã gây ra phản ứng tương tự từ các công ty và cơ quan thương mại Hoa Kỳ.

Mặc dù căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Delhi và Washington, nhiều khả năng Mỹ sẽ không sẵn sàng “châm ngòi” cho một cuộc CTTM khác khi mà cuộc CTTM với Trung Quốc hiện nay còn đang ngổn ngang và mang lại cho chính Mỹ không ít hệ lụy.

“Tôi không nghĩ hai bên sẽ leo thang tình hình đến mức như Mỹ đã làm với Trung Quốc. Ấn Độ phải là bên cộng tác và đối tác của Mỹ. Và cuộc CTTM Mỹ-Trung mang lại cho Ấn Độ thêm một động lực để tránh một cuộc CTTM với Mỹ. Và nếu có một sự lan tỏa từ Trung Quốc sang các thị trường khác để tiếp cận thị trường Mỹ trong bối cảnh CTTM thì Ấn Độ có vị thế rất tốt để có thể khai thác”, chuyên gia Kathuria nhận định.

Theo chương trình dự kiến, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross sẽ đến Ấn Độ vào ngày thứ năm (14/2/2019) để có các cuộc thảo luận trong bối cảnh xuất hiện những đám mây bão với mối quan hệ thương mại trị giá khoảng 125 tỷ USD mỗi năm này. Tuy nhiên, chuyến đi đã bị hủy vào cuối ngày thứ tư (13/2).

Người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho biết, do thời tiết khắc nghiệt, các vấn đề kỹ thuật dẫn đến việc hủy chuyến bay và các vấn đề hậu cần khác, Bộ trưởng Ross rất tiếc ông không thể đến Ấn Độ để tham dự trực tiếp các cuộc gặp giữa hai bên. Mặc dù vậy ông Wilbur Ross dự kiến sẽ tham gia hầu hết các phiên từ xa trong nỗ lực nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương.