Nguy cơ nợ xấu tăng cao trở lại

Theo Diễm Ngọc - Hồng Minh/enternews.vn

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, mặc dù mức độ tác động là khác nhau, nhưng nguy cơ xảy ra nợ xấu đang hiện hữu và có thể trở thành gánh nặng với ngành Ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, đến nay, diện mạo ngành Ngân hàng đã có nhiều thay đổi khi tỉ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%. Các ngân hàng đều có báo cáo tài chính sạch, nợ xấu không chỉ được bán cho công ty khai thác và quản lý tài sản (VAMC) mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối.

Nhưng trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, dường như “bóng ma” nợ xấu có chiều hướng quay trở lại. Theo đó, các hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng trực diện. Đứt gãy dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trước đây khá cao, nay lại không hoạt động được dẫn tới tình trạng doanh nghiệp lay lắt sinh tồn khó có khả năng trả nợ như kế hoạch. Đặc biệt, với cơn bão Covid-19 lần thứ tư mới đây cho thấy, khó khăn mới đang đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng.

Chia sẻ tại Toạ đàm “Nợ xấu trong dịch Covid-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp tổ chức cùng báo Tiền phong, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính từ cuối năm 2017 đến ngày 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 530 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/4/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng, từ năm 2012 – 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực).

“Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng”, ông Hùng phân tích.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đơn vị vẫn cố gắng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Năm 2020, VAMC đã triển khai mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đạt gần 100% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao. Lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31/12/2020, cơ quan này đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 374.622 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng.

Cùng với triển khai ngay các biện pháp xử lý thu hồi nợ, VAMC cũng phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng mua hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Đồng thời, VAMC cũng thực hiện việc trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và đúng quy định.

Trước vấn đề này, đại diện ngân hàng SHB cũng bày tỏ, dịch Covid-19 xuất hiện, gây ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng có khác nhau giữa các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Một số ngành nghề, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch có thể kể đến: thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, sản xuất cung ứng nguyên liệu, sản phẩm cho nước ngoài, bất động sản, chứng khoán,…

Trước tác động của dịch bệnh, SHB đã chủ động rà soát, phân loại khách hàng và đưa ra các giải pháp kịp thời nhằm quản lý và thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, công tác thu hồi nợ cũng không khỏi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cụ thể:

Thứ nhất, việc đôn đốc, thu hồi nợ trực tiếp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh. Cán bộ xử lý nợ gặp khó khi tiếp tục sử dụng phương thức đôn đốc thu nợ trực tiếp do nhà nước phong toả, cách ly cục bộ và/hoặc khách hàng, chủ tài sản lấy lý do dịch bệnh để từ chối làm việc trực tiếp. SHB đã đẩy mạnh phương thức làm việc gián tiếp với khách hàng (sử dụng điện thoại, email, gửi văn bản đôn đốc nhắc nợ …) tuy nhiên, hiệu quả không cao như việc trực tiếp đôn đốc thu nợ.

Thứ hai, việc thu hồi nợ thông qua khởi kiện, thi hành án của SHB nói riêng và các Tổ chức tín dụng nói chung bị ngưng trệ do trong giai đoạn dịch Covid bùng phát. Toà án Nhân dân Tối cao đã ban hành các Văn bản về việc phòng chống dịch trong hệ thống Toà án nhân dân.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng ban hành các văn bản chỉ đạo: Đối với những địa phương dịch đang có diễn biến phức tạp: Hạn chế việc nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả thi hành án trực tiếp tại trụ sở cơ quan Thi hành án dân sự. Khuyến khích cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án, đơn khiếu nại, tố cáo và việc xác nhận kết quả thi hành án thông qua dịch vụ bưu chính viễn thông, qua phần mềm hỗ trợ trực tuyến; Tạm dừng việc triệu tập đương sự, giải quyết việc thi hành án tại trụ sở cơ quan;...

Thứ ba, việc thu giữ Tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 cũng bị ngưng trệ do chính quyền địa phương (đặc biệt là các khu vực đang bị phong toả hoặc có người bị cách ly) phải tập trung phòng, chống dịch nên chưa xác nhận, hỗ trợ SHB trong việc thu giữ Tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42: Không tham gia chứng kiến, không ký biên bản chứng kiến việc thu giữ, chậm thực hiện phối hợp theo thông báo, đề nghị hỗ trợ của Ngân hàng. Điều này dẫn tới việc thu giữ TSBĐ của Ngân hàng gặp khó, chậm tiến độ.

Thứ tư, do dịch bệnh Covid nên khách hàng bị ảnh hưởng nguồn thu (hoạt động sản xuất, dịch vụ đình trệ, khách hàng doanh nghiệp mất nguồn thu, khách hàng cá nhân bị chậm lương, nghỉ không lương…) gây nên nợ quá hạn, nợ xấu.