Nguy cơ phải huy động nguồn điện giá cao
Cung ứng điện năm 2020 dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn, Việt Nam sẽ phải huy động cao các nguồn điện, trong đó có gần 3,4 tỷ kWh điện chạy dầu giá cao để đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt và sản xuất.
Đó là thông tin được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương nhấn mạnh tại Cuộc họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2020, diễn ra chiều ngày 18/12/2019, tại Hà Nội.
Về kế hoạch cung cấp điện năm 2020, Bộ Công Thương nhận định, tình hình cung ứng điện gặp khó khăn, bởi đây là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ…
Tính toán của Bộ Công Thương chỉ ra rằng, tổng sản lượng thủy điện trong các hồ thủy điện vào đầu năm 2020 thấp hơn so với sản lượng thủy điện khi mực nước dâng bình thường là 4,55 tỷ kWh điện. Bên cạnh đó, các hồ thủy điện còn phải làm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn tại nhiều địa phương…
“Mặc dù vậy, theo phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo”, Lãnh đạo cơ quan điều tiết điện lực khẳng định và cho biết, năm 2020, các nguồn điện than, thủy điện và nguồn điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Đặc biệt, năm 2020, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao, trong đó riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3, 4, 5, 6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh nguồn điện dầu. Lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như lượng nước về các hồ thủy điện thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.
Đề cập về con số chênh lệch giữa tính toán lượng điện sẽ phải huy động chạy dầu của EVN công bố trước đó (trên 8 tỷ kWh) và con số gần 3,4 tỷ kWh nguồn điện chạy dầu nêu trên, ông Tuấn lý giải, khi phê duyệt kế hoạch cung cấp điện phải cập nhật tình hình thực tế cung cấp điện 2019, tính toán hệ số đàn hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế và hệ số sử dụng điện năm 2020… Trên cơ sở đó, xác định nhu cầu sử dụng điện năm 2020. “Con số dự kiến 3,4 tỷ kWh được tính toán dựa trên tốc độ tăng trưởng phụ tải, dự kiến nguồn huy động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2020…”, ông Tuấn thông tin.
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2020, tại Cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đã giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể cho EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo cung cấp đủ nhiên liệu than, khí, dầu. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 07/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện trong phạm vi cả nước…
EVN lãi gần 700 tỷ đồng từ kinh doanh điện năm 2018
Thông tin về chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN, ông Tuấn cho biết, tổng chi phí là 332.284,64 tỷ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.
Cụ thể, đối với khâu phát điện, tổng chi phí là 255.679,98 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.329,17 đồng/kWh. So với năm năm 2017, chi phí khâu phát điện năm 2018 tăng do sản lượng điện huy động từ các nguồn điện giá cao (than, dầu…) cao hơn năm 2017. Bên cạnh đó, chi phí khâu truyền tải điện là 19.690,95 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 102,36 đồng/kWh…
Trên cơ sở đó, doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.983,34 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.731,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017. “Như vậy, kết quả sản xất kinh doanh điện năm 2018 của EVN lãi 698,701 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu năm 2018 là 0,47%”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vẫn còn có các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018. “Theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020, một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của năm 2017 sẽ được tính vào chi phí năm 2018. Song, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên khoản chênh lệch tỷ giá này với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng được treo lại và chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2018”, Lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc phần chênh lệch tỷ giá này sẽ được EVN phân bổ như thế nào trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, phần chênh lệch này chưa có nguồn trả, sẽ phải chờ phương án giá điện thời gian tới.