Biến rác thành điện, Cần Thơ nhẹ nỗi lo rác thải sinh hoạt
Từ khi đi vào hoạt động (tháng 12/2018) đến cuối tháng 10/2019, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã xử lý được khoảng 175.000 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, tạo ra 53,2 triệu kWh điện.
Quản lý chất thải rắn đang là chủ đề nhận được sự quan tâm của người dân khi những bãi rác chôn lấp đã quá tải, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao... Giải quyết vấn đề xử lý chất thải rắn ở nhiều thành phố của Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức.
Tại thành phố Cần Thơ, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) đi vào hoạt động đã góp phần giúp thành phố giải quyết tốt những vấn đề nêu trên.
Là đô thị trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ không chỉ phát triển nhanh về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề mà còn phát triển nhanh về dân số. Hàng ngày, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thải ra môi trường lượng chất thải khá lớn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ, mỗi ngày, thành phố có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, đạt từ 85% - 90%, phần còn lại người dân tự chôn lấp hoặc đốt. Lượng rác trên được vận chuyển đến các bãi rác tại quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và lò đốt rác ở quận Thốt Nốt.
Các cơ sở này xử lý rác theo hình thức chôn lấp và đốt không thu hồi năng lượng. Tuy nhiên, các cơ sở này đều đã quá tải, đến nay vẫn còn tồn đọng hàng chục ngàn tấn rác, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Từ khi đi vào hoạt động (tháng 12/2018) đến cuối tháng 10/2019, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đã xử lý được khoảng 175.000 tấn rác thải sinh hoạt của thành phố, tạo ra 53,2 triệu kWh điện. Hiện nay, mỗi ngày, nhà máy xử lý từ 400 - 430 tấn rác, chiếm khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Cần Thơ, giúp cải thiện hiệu quả môi trường thành phố.
Ông Chen Wei, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ cho biết, sau một năm vận hành đốt rác và phát điện ổn định, Công ty quyết định thực hiện mục tiêu xử lý toàn bộ rác sinh hoạt của toàn thành phố, góp phần giúp Cần Thơ giảm áp lực từ các bãi rác đang chôn lấp.
Công ty đặt mục tiêu tạo ra một dự án trọng điểm xanh cho vùng châu thổ sông Mê Kông, từ thiết kế công nghệ, lựa chọn thiết bị cho đến xây dựng nhà máy đều dựa vào tiêu chuẩn tối ưu nhất để thực hiện.
“Chúng tôi luôn tuân thủ triết lý “trân quý môi trường sinh thái, xây giấc mơ thế giới tươi đẹp” với mong muốn góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của thành phố Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung, đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp đốt rác phát điện đang trên đà phát triển của Việt Nam” – ông Chen Wei khẳng định.
Cần Thơ có chủ trương xử lý dứt điểm lượng rác thải còn tồn đọng tại các bãi rác phường Phước Thới (quận Ô Môn) và bãi rác Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ). Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ hỗ trợ thành phố xử lý, đốt lượng rác còn tồn đọng, chôn lấp tại bãi rác Đông Thắng.
Lượng rác cũ được nhà máy đốt phát điện thử nghiệm là 2.500 tấn, với khối lượng bình quân mỗi ngày từ 50 – 100 tấn bắt đầu từ ngày 12/10. Quy trình đốt thử nghiệm đảm bảo các chỉ tiêu về phát thải và tuân thủ đúng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Dự kiến đến khoảng giữa tháng 11/2019, việc đốt thí điểm 2.500 tấn rác trên sẽ hoàn thành. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xây dựng phương án để tiếp tục đốt khối lượng rác thải còn lại của bãi rác Đông Thắng và 35.000 tấn rác tồn đọng tại bãi rác quận Ô Môn.
Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ là dự án đầu tiên tại địa phương đưa công nghệ tiên tiến vào giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, tạo ra nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường.
Dự án góp phần giúp thành phố Cần Thơ tiếp cận với công nghệ xử lý hiệu quả nhằm giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện môi trường sống, đảm bảo phát triển bền vững, phù hợp với quy hoạch chung về xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công nghệ đang áp dụng tại đây được Tập đoàn Everbright nghiên cứu phát triển từ công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, nhận được chứng chỉ chất lượng CE của Liên minh châu Âu, lò đốt ghi xích lật với công suất 400 tấn vào lò mỗi ngày, trang bị tổ máy phát điện 7.5 MW.
Hệ thống xử lý khói theo tiêu chuẩn châu Âu, khí thải phát sinh trong quá trình đốt rác sẽ được xử lý bằng công nghệ SNCR (Selective Non-Catalytic Reduction) và hệ thống phun canxi hydroxit để khử các khí độc như NOx, SO2; còn dioxin, kim loại nặng sẽ được khử bằng than hoạt tính. Khói thải sau khi xử lý đạt quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt ban hành năm 2016.
Rác thải sinh hoạt tiếp nhận vào không cần phân lọc lại, kể cả rác bị ẩm ướt trong mùa mưa. Nước rỉ rác sau khi xử lý toàn bộ tái sử dụng trong nhà máy và không xả thải ra môi trường. Tro xỉ còn lại của quá trình đốt (khoảng 17% lượng rác đưa vào) sau khi thông qua xử lý nghiền, sàng lọc, tro xỉ được dùng để làm vật liệu san lấp nền hoặc gạch lát đường, hiện tại tro xỉ không cần chôn lấp, toàn bộ được tận dụng tổng hợp.
Tro bay cũng được thu gom, thông qua xử lý ổn định và kiểm tra nghiêm ngặt được vận chuyển đến khu vực do cơ quan chủ quản chỉ định để tạm trữ an toàn. Thông qua công nghệ xử lý trên, dự án vận hành có hiệu quả, bên cạnh lượng điện tạo ra còn giúp giảm 97% diện tích đất so với phương pháp chôn lấp.
Bà Hisaka Kimura, Trưởng Phòng Tài chính cơ sở hạ tầng Đông Á, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cho biết, ADB chọn Everbright là đối tác hợp tác chiến lược lâu dài trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo bà Hisaka Kimura, nhiều thành phố ở châu Á đang đối mặt với khó khăn trong vấn đề xử lý chất thải rắn. Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đem lại một phương án bảo vệ môi trường có hiệu quả, đồng thời giúp các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch.
Từ tháng 4/2019, nhà máy mở cửa cho người dân đến tham quan vào thứ 6 tuần đầu tiên của mỗi tháng. Đại diện nhà máy cho biết, đến nay đã có hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu quy trình hoạt động của nhà máy.
Gia đình chị Lê Thị Kiều Trang, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai đã vào tham quan nhà máy. Khi chứng kiến quy trình tiếp nhận, xử lý rác tại đây, chị không còn lo ngại như lúc mới nghe tin nhà máy xử lý rác sẽ được xây dựng đối diện nhà mình.
Cũng như nhiều hộ dân khu vực này, khi nhà máy hoạt động, gia đình chị Trang mở quán bán cà phê, nước giải khát để tăng thêm thu nhập. “Vào tham quan nhà máy, tôi thấy sạch sẽ, không có mùi hôi. Thấy vậy, gia đình mới mở quán kinh doanh”, chị Trang chia sẻ.
Liên quan đến việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ cho biết, từ khi nhà máy đi vào hoạt động, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu phân tích các chất thải như: Tro xỉ lò, tro bay, khí thải của nhà máy này. Qua kết quả phân tích, các chỉ tiêu đều đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ đang thực hiện các thủ tục để được xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.