Nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023

Hải An

Theo Báo cáo “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022: Những rủi ro từ bên ngoài” của nhóm Nghiên cứu Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Trong đó, sự suy giảm kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU17) có thể khiến cho quy mô nền kinh tế (GDP) của Việt Nam giảm 0,55% trong năm 2023.

Quang cảnh Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ hai.
Quang cảnh Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ hai.

Ngày 22/11/2022, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia - NCIF (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đồng tổ chức Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam lần thứ hai. Tại Diễn đàn, Báo cáo “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022: Những rủi ro từ bên ngoài” của nhóm Nghiên cứu NCIF đánh giá, đến thời điểm hiện tại, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô kinh tế Việt Nam cho thấy xu hướng phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với không ít các yếu tố bất lợi, rủi ro và thách thức mới, cùng xuất hiện.

Một số rủi ro lớn nhất hiện nay có thể làm thay đổi xu thế tăng trưởng và khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và tác động có thể kéo dài sang 2023 được Báo cáo chỉ ra gồm: Cuộc chiến tại Ukraine kéo dài và khủng hoảng năng lượng tại Liên minh châu Âu (EU); Chính sách zero COVID và suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc; Tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu; Chính sách tăng lãi suất của Mỹ và phản ứng các đồng tiền lớn khác; Khủng hoảng năng lượng tại EU và đặc biệt là vòng xoáy lạm phát và nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn.

Cụ thể, các số liệu về tăng trưởng kinh tế thế giới các quý đầu năm 2022 cho thấy, sự sụt giảm mạnh của các nền kinh tế lớn do biến động địa chính trị thế giới, lạm phát và chính sách zero COVID tại Trung Quốc. Các nhân tố bất lợi dồn dập xuất hiện, đan xen phức tạp khiến cho vấn đề lạm phát và suy thoái càng trở nên khó giải quyết hơn. Lạm phát tăng nhanh buộc ngân hàng trung ương các nước nhiều lần tăng mạnh lãi suất, nhưng cuộc xung đột Ukraine kéo dài, chính sách Zero COVID buộc Trung Quốc nhiều lần áp dụng chính sách phong tỏa khiến nguồn cung, các chuỗi cung ứng tiếp tục ở trạng thái khan hiếm, đứt gãy, nguy cơ giá cả vẫn sẽ ở mức cao ngay cả khi chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ.

Theo Báo cáo “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022: Những rủi ro từ bên ngoài”, các dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022-2023 đều bị điều chỉnh giảm mạnh do các bất ổn ngày càng gia tăng. Tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 xuống khoảng 2,2-2,3%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,6% trước đại dịch (2010-19) và các mức dự báo trước đây.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (Tháng 7/2022) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% vào hồi tháng 4/2022, do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, Nga và Mỹ. Về tăng trưởng của năm 2023, IMF cũng hạ dự báo GDP từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.

Tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển dự kiến sụt giảm mạnh. Tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo sụt giảm xuống 2,3% trong năm 2022 so với mức dự báo 3,6% trước đây do suy thoái kinh tế và nguy cơ mất kiểm soát lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gặp khó khăn trong kiểm soát lạm phát và có thể buộc phải thắt chặt mạnh hơn nhiều so với kế hoạch đưa ra trước đó, từ đó làm hạn chế khả năng phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm 2023.

Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chiến tranh Nga - Ukraine, dự kiến chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2022, giảm 0,4 điểm % so với dự báo trước đây. An ninh năng lượng ở EU đang trở nên bấp bênh do gián đoạn nguồn cung năng lượng từ Nga, khiến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp trong khối suy giảm mạnh. Nhiều chuyên gia cảnh báo lệnh cấm của EU đối với khí đốt của Nga sẽ kích hoạt một trong những cuộc suy thoái sâu sắc nhất trong những thập kỷ gần đây ở Đức và Eurozone.

Nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023 - Ảnh 1

Tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển cũng sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, nguồn cung tiếp tục bị gián đoạn và nhu cầu yếu hơn do các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc. Triển vọng kinh tế Trung Quốc có thể cải thiện trong vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 nhờ các biện pháp hỗ trợ tài khóa của Chính phủ và các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 được nới lỏng hơn. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 của Trung Quốc có khả năng chỉ đạt 3,93% - thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu đề ra là 5,5%.

Nhóm nghiên cứu NCIF đánh giá, sự suy giảm của các nền kinh tế đối tác lớn dự báo sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Việt Nam thông qua các tác động về thương mại, tỷ giá và năng lực cạnh tranh. Mỹ, EU và Trung Quốc là đối tác xuất khẩu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, do vậy suy giảm kinh tế các quốc gia này sẽ dẫn tới sụt giảm xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam. Tiêu dùng cũng Mỹ giảm sẽ áp lực giảm phát tới nền kinh tế Mỹ, từ đó khiến đồng USD mất giá. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Việt Nam thông qua tác động tỷ giá.

Tính toán của Nhóm nghiên cứu từ mô hình NiGEM cho thấy, suy giảm kinh tế Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU17) có thể khiến cho quy mô nền kinh tế (GDP) của Việt Nam giảm 0,32% trong năm 2022 và 0,55% trong năm 2023. Xuất khẩu cũng lần lượt giảm 0,52% và 0,72% trong năm 2022 và 2023, trong khi nhập khẩu giảm ít hơn ở mức 0,31% và 0,50% trong năm 2022 và 2023. Đồng USD có thể mất giá 1,8% trong năm 2022 và 1,7% năm 2023 so với đồng VND do tác động của suy giảm kinh tế Mỹ. Trong khi đó, áp lực lạm phát của Việt Nam cũng giảm 0,78 điểm % trong năm 2022 và 0,47 điểm % trong năm 2023, thông qua sự suy giảm của giá hàng hóa thế giới khi nhu cầu của Mỹ yếu đi.

Tác động suy giảm các nền kinh tế lớn tới kinh tế Việt Nam

Nguy cơ suy thoái tại các nền kinh tế lớn tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2023 - Ảnh 2
 

Tựu chung, Báo cáo “Tổng quan kinh tế Việt Nam 2022: Những rủi ro từ bên ngoài” của nhóm Nghiên cứu NCIF cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2023 đi theo kịch bản nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố: khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến xung đột Nga - Ukraine, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam. Cùng với đó là các nỗ lực thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Với các yếu tố tác động, kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể diễn ra theo 2 kịch bản. Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản 2, khả quan hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.