Nguy cơ tái diễn cạnh tranh vô lối, giành giật khách hàng

Thái Hằng

(Tài chính) TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cảnh báo như vậy nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính tới việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cân nhắc việc bỏ trần lãi suất

Khảo sát thực tế cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã điều chỉnh ở mức thấp hơn trần 7% với kỳ hạn dưới 6 tháng, các kỳ hạn ngắn cũng giảm mạnh. Như vậy trần lãi suất hiện nay cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Bản thân các ngân hàng cũng đã mạnh tay hạ lãi suất huy động, tổng cộng số liệu của các ngân hàng cho thấy, lãi suất huy động tháng 2 vừa qua đã giảm thêm 0,3-0,5% với kỳ hạn 1-2 tháng. Điều này thể hiện các TCTD đã đặt ra mức lãi suất huy động thỏa thuận với khách hàng theo cung cầu trên thị trường. Trong cuộc họp báo về điều hành chính sách tiền tệ hai tháng đầu năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tài chính – Tiền tệ (NHNN) cũng đã nhấn mạnh rằng, có thể hướng tới bỏ trần khi thanh khoản ổn định và kinh tế vĩ mô vững chắc.

Nguy cơ tái diễn cạnh tranh vô lối, giành giật khách hàng - Ảnh 1Nếu như bỏ trần lãi suất huy động thì mặt bằng lãi suất sẽ bị phá vỡ, kéo theo lãi suất cho vay khó giảm 1%-2% trong năm nay như mong muốn của NHNN và Chính phủ.
TS. Cấn Văn Lực

Vậy trong tình trạng nguồn vốn ùn ứ trong ngân hàng, buộc TCTD phải hướng dòng tiền vào kênh trái phiếu, liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để NHNN dỡ bỏ trần lãi suất huy động? Đề cập tới vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng, đây không phải là thời điểm chín muồi để cởi bỏ trần lãi suất huy động, cho nên cần cân nhắc việc bỏ trần lãi suất nếu không rất dễ tái diễn lại tình trạng cạnh tranh vô lối, giành giật khách hàng gửi tiền, thị trường xáo trộn như trước đây. Hơn nữa, câu chuyện tái cơ cấu cần phải giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt. Chừng nào còn ngân hàng yếu kém, chuyện mua bán sáp nhập chưa xong, thị trường chưa lập lại cân bằng thì vẫn còn tình trạng chênh lệch lãi suất.

“Điều kiện để bỏ trần lãi suất là khi thị trường ổn định, không có chuyện các ngân hàng vượt rào hay xé rào lãi suất. Thế nhưng, diễn biến trên thị trường cho thấy, vẫn còn một số ngân hàng nhỏ thu hút nguồn vốn huy động bằng cách nâng lãi suất đầu vào cao hơn mặt bằng chung. Nếu như bỏ trần lãi suất huy động thì mặt bằng lãi suất sẽ bị phá vỡ, kéo theo lãi suất cho vay khó giảm 1%-2% trong năm nay như mong muốn của NHNN và Chính phủ”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Lấp lóe tín hiệu giảm lãi suất

Một lo ngại lớn là vốn vẫn không đưa vào sản xuất kinh doanh mà lại chảy ngược sang lĩnh vực trái phiếu chính phủ và một số thị trường tài chính khác. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do các ngân hàng vẫn đang bị khống chế tín dụng cho vay bất động sản và chứng khoán không quá 20% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã rút rất nhiều kinh nghiệm từ nợ xấu, nợ khó đòi trong thời gian qua.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, hai tháng đầu năm lạm phát tăng rất thấp 1,24%. Diễn biến thị trường ngoại hối và tỷ giá trong 2 tháng đầu năm ổn định, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, tạo nguồn can thiệp khi cần thiết. Đến ngày 26/2/2014, tỷ giá mua bán tại các ngân hàng thương mại ở mức 21.080/21.120 VND/USD. Mặc dù điều này cũng chưa nói hết và khái quát được cho cả năm nhưng là tín hiệu và là một cơ sở để hạ lãi suất cho vay.

Để có thể hạ thêm lãi suất cho vay, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều kiện yêu cầu bắt buộc các ngân hàng thực hiện trong thời gian tới sẽ gồm: Thứ nhất, các ngân hàng cần quản chặt lãi suất huy động. Giảm chi phí hoạt động hành chính, qua đó có thêm điều kiện để hạ lãi suất đầu ra.Thứ hai, ở phía ở quan quản lý muốn quản lý cung tiền thì phải sử dụng công cụ lãi suất. Lãi suất phù hợp thì mới có điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng.

Được biết, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các nhiệm vụ trọng tâm tại Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, trong những tháng tiếp theo của năm 2014, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, bảo đảm thanh khoản của các TCTD và nền kinh tế; Điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát.

Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; Lãi suất cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn, 11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn.Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đã được các ngân hàng thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ 6-7%/năm.
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)