Nguy cơ từ chính sách thuế mới của Mỹ áp lên ngành thép
Điểm khác biệt lớn nhất trong quyết định áp thuế của Bộ Thương mại Mỹ là việc thay đổi khái niệm “chuyển đổi không đáng kể”, theo đó việc sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm thép chống ăn mòn và thép cán nguội được xem là quá trình thay đổi nhỏ, không đáng kể.
Ngày 2-7, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra kết luận sơ bộ về sản phẩm thép cán nguội và thép chống gỉ sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan để sản xuất, theo đó các sản phẩm này được xem là “chuyển đổi không đáng kể”. Do đó, Mỹ áp mức thuế lên tới 456,23% với thép nhập khẩu từ Việt Nam có sử dụng nguyên liệu từ hai nơi này.
Việc áp thuế không bất ngờ
Việc điều tra chống lẩn tránh thuế các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam đã được Mỹ khởi xướng từ giữa năm 2018 theo yêu cầu của các doanh nghiệp và Hiệp hội Thép Mỹ.
Phía Mỹ cáo buộc doanh nghiệp Việt Nam sử dụng thép nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan để làm nguyên liệu sản xuất chính sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ Hàn Quốc và Đài Loan. Việc này khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến từ năm 2016 đến nay.
Các doanh nghiệp Mỹ chỉ ra rằng tại thời điểm năm 2016-2017, Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng đủ nguồn nguyên liệu sản xuất thép cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khi Nhà máy Formosa chỉ mới đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2017.
Tuy mức thuế áp lần này của DOC là mức cao nhất từ trước đến nay nhưng đây không phải là quyết định quá bất ngờ khi trước đó DOC cũng đã tuyên bố đánh thuế với một số sản phẩm thép tương tự có nguồn gốc Trung Quốc.
Nguy cơ từ chính sách thuế mới
Điểm khác biệt lớn nhất là việc thay đổi khái niệm “chuyển đổi không đáng kể”, theo đó việc sử dụng thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội được xem là quá trình thay đổi nhỏ, không đáng kể. Điều này sẽ là một bất lợi lớn vì mặc dù nguồn cung thép cán nóng nội địa đã tăng mạnh trong năm vừa qua nhưng vẫn chưa đủ để phục vụ nhu cầu sản xuất.
Về phía Việt Nam, sau khi áp thuế tự vệ vào tháng 3-2016 thì thép nhập khẩu giảm dần xuống 14% năm 2017 (15 triệu tấn) và tiếp tục giảm xuống 9,8% năm 2018 (còn khoảng 13,5 triệu tấn). Dù giảm về số lượng nhưng thép Việt Nam vẫn được nhập chủ yếu từ bốn thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó lượng nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc vẫn chiếm trên 60% trong năm 2018.
Trong khi đó, nguồn cung trong nước mặc dù đã tăng mạnh sau khi Formosa đi vào hoạt động từ năm 2017 và tăng sản lượng lên 5,16 triệu tấn trong năm 2018, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nguồn nguyên liệu trong nước.
Như vậy với tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những nguy cơ theo chiều hướng xấu trước đợt áp thuế mới này. Thứ nhất, các doanh nghiệp có sử dụng nguồn thép cán nóng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan sẽ khó để có được sự thừa nhận từ Mỹ sau khi DOC thay đổi khái niệm về quá trình chuyển đổi không đáng kể.
Thứ hai, doanh nghiệp không nhập khẩu từ Hàn Quốc hay Đài Loan nhưng không có hoặc thiếu giấy tờ hoặc giấy tờ không được phía Mỹ chấp thuận để chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng sẽ gặp khó. Cục Phòng vệ thương mại cho biết vấn đề nguồn gốc xuất xứ đang là yếu tố gây cản trở đối với ngành thép. Vì lý do này mà ngành thép là ngành hay bị khởi kiện nhất.
Thứ ba, việc Mỹ mở rộng việc áp thuế với thép Việt Nam cũng sẽ là tiền lệ kéo theo hàng loạt các nước nhập khẩu thép từ Việt Nam khởi kiện và mở rộng việc áp thuế lên ngành thép Việt Nam trong tương lai.
Đưa ngành thép trở về đúng giá trị thực
Mặc dù việc áp thuế sẽ đặt ngành thép Việt Nam vào những thách thức trước mắt nhưng về lâu dài việc này sẽ giúp đưa ngành thép trở về đúng giá trị thực.
Một mặt, việc áp thuế sẽ giúp loại bỏ những doanh nghiệp đang thực sự tiếp tay cho hoạt động lẩn tránh thuế, vốn không tạo được thêm nhiều giá trị gia tăng cho ngành thép nhưng lại vô tình làm xấu đi hình ảnh của ngành nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Mặt khác, việc truy xuất nguồn gốc sẽ đẩy mạnh hoạt động tự chứng nhận xuất xứ C/O của doanh nghiệp ngành thép. Trên thực tế, Liên minh châu Âu (EU) và trong một số hiệp định thương mại tự do (FTA) của Việt Nam đã đề cập và yêu cầu tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, vấn đề này cũng được thí điểm tại Asean từ năm 2017.
Cuối năm 2019, Nhà máy Sản xuất thép cán nóng Dung Quất sẽ đi vào sản xuất với công suất 2 triệu tấn/năm. Nếu hoạt động hết công suất thì năm 2021 tổ hợp Dung Quất và Formosa Hà Tĩnh sẽ sản xuất khoảng 7 triệu tấn thép cán nóng, đáp ứng 80% nhu cầu nội địa. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất thép chủ động được nguyên liệu trong nước và tránh được những khiếu kiện tương tự trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tính đến nay, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra phòng vệ thương mại, bao gồm 78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế. Trong đó, quá nửa các vụ kiện liên quan đến mặt hàng thép. Đặc biệt trong 17 vụ kiện chống lẩn tránh thuế có 16 vụ các nguyên đơn nghi ngờ là hàng hóa từ Trung Quốc (đang bị áp thuế chống bán phá giá cao) được hợp thức hóa qua các cơ sở tại Việt Nam để lẩn tránh thuế trước khi xuất đi.