Nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng Mỹ - Trung

Theo TTXVN

Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, có thể thấy Tổng thống Donald Trump không “chơi bài” theo kiểu truyền thống. Rất hiếm thấy việc Mỹ lấy quan chức cấp cao của Trung Quốc làm đối tượng trừng phạt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong lĩnh vực chiến tranh thuế quan, chiến tranh đầu tư và chiến tranh tỷ giá, Trung Quốc vẫn có khả năng ra đòn trả đũa, nhưng nếu Mỹ sử dụng thủ đoạn chiến tranh tài chính, bao gồm việc trừng phạt quan chức quân đội hoặc tất cả quan chức cấp cao Trung Quốc, e rằng Bắc Kinh sẽ không thể chống đỡ được.

Với lý do quân đội Trung Quốc vi phạm luật pháp Mỹ, mua máy bay chiến đấu và tên lửa đất đối không của Nga, Washington tuyên bố trừng phạt Tổng cục Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc và người đứng đầu cơ quan này, Trung tướng Lý Thượng Phúc.

Bắc Kinh đã phản ứng quyết liệt, ngoài việc triệu Đại sứ Mỹ tới phản đối còn triệu hồi Tư lệnh Hải quân Thẩm Kim Long đang ở thăm Mỹ và hoãn đối thoại tham mưu giữa quân đội hai nước, dự kiến tổ chức ở Bắc Kinh vào cuối tháng 9 này. Chuyến thăm Mỹ vào cuối năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa có thay đổi hay không vẫn cần quan sát.

Việc Mỹ và phương Tây sử dụng biện pháp ngoại giao trừng phạt nước khác vốn không có gì lạ. Sau sự kiện Thiên An Môn, Trung Quốc từng hứng chịu.

Hơn nữa, đây là quyết định đầu tiên mà phía Mỹ đưa ra dựa trên đạo luật “Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt” (CAATSA) thông qua năm 2017. 

CAATSA được xây dựng nhằm trừng phạt Nga can dự vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cho phép trừng phạt bên thứ 3 có giao dịch lớn với ngành quốc phòng Nga.

Sau khi CAATSA có hiệu lực, Trung Quốc mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga, nên đã bị Mỹ trừng phạt. Tuy nhiên, việc Trung Quốc “nhảy dựng” lên sau quyết định của Mỹ, theo tờ Tin tức Thế giới ngày 25/9 là có nguyên nhân sâu xa.

Thứ nhất, biện pháp chế tài của Mỹ nhằm cảnh cáo Trung Quốc biết dừng lại ở mức thích hợp trong quan hệ với Nga và hậu quả là tiến trình nâng cấp trang bị của quân đội Trung Quốc có thể sẽ chậm lại.

Tuy nhiên, nếu gắn với diễn biến gần đây trên bán đảo Triều Tiên, biện pháp chế tài của Mỹ còn phát đi một tín hiệu cảnh báo khác là nếu Trung Quốc cố tình lơi là thực hiện nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc, nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng.

Thứ hai, biện pháp chế tài của Mỹ cho thấy Tổng thống Donald Trump tiếp tục thách thức sự tôn nghiêm của Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Tập Cận Bình, người mà ông Trump gọi là “bạn”.

Trước đó, Mỹ đã trừng phạt công ty ZTE của Trung Quốc, buộc ZTE phải nộp 1,4 tỷ USD tiền phạt và tiền bảo lãnh, cho phép Mỹ cử người tới ZTE giám sát hoạt động kinh doanh, trở thành “thái thượng hoàng” trong công ty này. 

Hành động của Mỹ bị cư dân mạng Trung Quốc xem như một sự sỉ nhục chủ quyền. Gần đây, Mỹ yêu cầu Tân Hoa xã và kênh China Global Television Network của Trung Quốc đăng ký là “đại diện nước ngoài”, phải công khai thông tin “nhạy cảm”, bao gồm ngân sách hằng năm và chủ sở hữu.

Cùng với sự leo thang chiến tranh thương mại giữa hai nước, việc Mỹ trừng phạt Tổng cục Phát triển trang bị Quân ủy Trung ương Trung Quốc và Trung tướng Lý Thượng Phúc cho thấy thủ đoạn nhằm vào Trung Quốc ngày càng quyết liệt, gây ra mối đe dọa ngày càng lớn, cũng khiến nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc ngày càng khó có thể chịu đựng được. Nếu Bắc Kinh không trả đũa bằng hành động thực chất, e rằng khó có thể dẹp yên áp lực từ dư luận trong nước.

Thứ ba, biện pháp chế tài của Mỹ - bao gồm việc đóng băng tài sản của Tướng Lý Thượng Phúc ở các khu vực Mỹ thực hiện quyền tư pháp - còn phát đi tín hiệu đáng sợ đối với Trung Quốc.

Đó là bất cứ khi nào Mỹ và phương Tây cũng có thể đóng băng tài sản bất hợp pháp ở nước ngoài của quan chức Trung Quốc. Đối với các gia tộc quyền quý Trung Quốc sớm chuyển tài sản ra nước ngoài, biện pháp chế tài này có sức răn đe rất lớn.