Mỹ chưa tung hết đòn trong chiến tranh thương mại
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung những tuần gần đây tiếp tục leo thang, sau khi 2 nước áp đặt hàng rào thuế quan vòng 2 lên hàng hóa của nhau. Nhiều ý kiến cho rằng với giải pháp trả đũa thuế thương mại có hạn, Trung Quốc còn nhiều "vũ khí” khác có thể sử dụng với Mỹ, từ việc giảm giá nhân dân tệ, bán trái phiếu Mỹ hay liên minh với các nước khác.
Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng có thể sử dụng những vũ khí linh hoạt tương tự để khắc chế Trung Quốc. Hiện tại, ông vẫn đang ưu tiên đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và sẽ tiếp tục dùng cách này nếu Bắc Kinh trả đũa, nhờ việc tận dụng lợi thế thương mại bất đối xứng giữa hai nước để khiến Trung Quốc chịu thiệt hại nhiều hơn so với Mỹ, từ đó giành chiến thắng.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng có thể giữ đồng USD yếu để hạn chế khả năng Bắc Kinh đơn phương phá giá nhân dân tệ nhằm làm giảm thiểu thiệt hại của hàng rào thuế quan. Có thể thấy, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất và gợi ý trong năm 2019 có thể tăng 3 lần, nhiều hơn một lần so với kế hoạch trước đây nhưng đồng USD vẫn không đi lên được.
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered thì đồng USD có thể kết thúc đợt tăng giá và đảo chiều, do chênh lệch lãi suất đồng USD và các đồng tiền khác sẽ thu hẹp trong thời gian tới khi những nền kinh tế khác cũng kết thúc chương trình nới lỏng định lượng và tăng lãi suất trong năm 2019. Để đối phó với chính sách liên minh của Trung Quốc, Mỹ đang tích cực đàm phán để tái ký hiệp định thương mại tự do song phương với các đối tác thương mại lớn.
Ở Bắc Mỹ, Mỹ và Mexico đã sớm tìm được tiếng nói chung và giờ chỉ còn đợi Canada. Tại châu Á, Mỹ và Hàn Quốc, ngày 25/9 cũng đã ký lại thỏa thuận thương mại tự do. Sắp tới sẽ đến Nhật. Trong khi đó, hiệp định thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) đang trong lộ trình theo kế hoạch.
Ngoài ra, nếu Trung Quốc bán mạnh trái phiếu Mỹ nhằm đánh sụt giá để đe dọa Mỹ, thì theo giới phân tích, điều này cũng có thể gây thiệt hại cho chính Trung Quốc với kho dự trữ ngoại hối hơn 3.100 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí này thì Mỹ cũng có thể hóa giải bằng cách tác động lên FED tạm dừng thu hẹp bảng cân đối kế toán, tức ngừng bán ra các trái phiếu theo như kế hoạch trước đây, thậm chí mua trở lại để giảm áp lực giá lên trái phiếu.
Trong bối cảnh rủi ro kinh tế toàn cầu đang tăng như hiện nay do tác động của chiến tranh thương mại cũng như khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, thì các nhà đầu tư ngoại quốc khác cũng có xu hướng rót tiền vào thị trường trái phiếu Mỹ như một tài sản an toàn và có thu nhập ổn định, nhất là khi lợi suất trái phiếu Mỹ gần đây đang có xu hướng đi lên. Điều này sẽ làm tăng lượng cầu trái phiếu Mỹ và do đó có thể giúp hấp thụ lượng trái phiếu bán ra từ Trung Quốc.