Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu rót 1.000 USD vào cổ phiếu Disney 10 năm trước?
Hãng truyền thông giải trí Walt Disney cho biết dịch vụ truyền video trực tuyến Disney+ đã được 10 triệu thuê bao chỉ sau một ngày khai trương. Thông tin này giúp cổ phiếu Disney đóng cửa phiên giao dịch với mức tăng 7,3%.
Theo tính toán của CNBC, nếu rót 1.000 USD vào cổ phiếu Disney 10 năm trước, số tiền này sẽ tăng lên thành hơn 5.500 USD tính theo giá đóng cửa ngày 13/11, tương đương mức tăng khoảng 450%. Trong cùng thời gian, chỉ số S&P 500 tăng gần 250%. Disney lên sàn vào năm 1957 và hiện giao dịch ở mức khoảng 145 USD/cổ phiếu.
Trước đó, hồi tháng 4, Disney giới thiệu giao diện đầu tiên của Disney+ và tiết lộ một số chi tiết về dịch vụ truyền video trực tuyến này. Công bố này đã giúp cổ phiếu Disney tăng mạnh nhất trong một thập kỷ.
Disney+ có mức phí 6,99 USD/tháng và có thể được xem trên hầu hết các thiết bị gồm máy tính cá nhân, di động thông minh (Android và iOS), TV thông minh, máy tính bảng, máy chơi game... Dịch vụ này gồm các nội dung gốc của Disney+ cũng như những bộ phim hiện có của Pixar, Marvel, Disney...
Kể từ khi được thành lập vào năm 1923 bởi ông Walt Disney, khi đó mới 22 tuổi, Disney đã cho ra đời những bộ phim hoạt hình được xem nhiều nhất mọi thời đại. Một trong những nhân vật hoạt hình đầu tiên của hãng này là Chuột Mickey, ra đời vào năm 1928, tiếp đó là Nàng Bạch Tuyết vào năm 1937. Năm 1940, Disney ra mắt phim hoạt hình "Pinocchio", kế đến là "Mary Poppins" năm 1964, "Robin Hood" năm 1973, "Nàng Tiên Cá Nhỏ" năm 1989 và "Vua Sư Tử" năm 1994.
Trong gần 100 năm qua, Disney đã phát triển trở thành một đế chế, mở rộng ra ngoài lĩnh vực phim ảnh. Hiện nay, công ty này sở hữu các công viên chủ đề trên khắp thế giới, gồm hai công viên nguyên bản: Disneyland ở Anaheim, bang California, và Walt Disney World ở Orlando, bang Florida. Công ty này cũng sở hữu các khách sạn, kênh truyền hình cáp Disney Channel và hàng trăm cửa hàng Walt Disney tại các trung tâm mua sắm trên toàn cầu.
Các thương vụ thâu tóm trong những năm qua cũng đóng góp không nhỏ cho thành công trong dài hạn của Disney. Trong 14 năm qua, CEO Bob Iger của Disney đã thực hiện 4 thương vụ thâu tóm lớn, bao gồm mua lại Pixar vào năm 2006, Marvel năm 2009, Lucasfilm năm 2012 và gần đây nhất là 20th Century Fox vào tháng 3/2019.
Các thương vụ đã mang lại "trái ngọt" cho Disney. Theo Paul Dergarabedian, nhà phân tích truyền thông cấp cao của Comscore, Lucasfilm - được Disney mua với giá 4,05 tỷ USD, là "một trong những thương vụ khôn ngoan nhất lịch sử". Disney cũng bỏ túi khoảng 11 tỷ USD từ phòng vé toàn cầu nhờ các bộ phim của Pixar, và thu về hơn 18,2 tỷ USD từ Marvel.
Tuy nhiên, hãng truyền thông giải trí đình đám cũng vướng phải không ít tranh cãi và chỉ trích với kịch bản của một số bộ phim như "Peter Pan", "Dumbo" và "Jungle Book" - bị cho là phân biệt đối xử.