Nhà đầu tư ngoại có xu hướng bán ròng, VN-Index vẫn trên mốc 1000 điểm

Song Ngư

Trong phiên giao dịch ngày 02/12, bất chấp xu thế bán ròng của nhà đầu tư ngoại, VN-Index vẫn trụ vững mức trên 1000 điểm khi mà kết phiên tăng 0.54%, đạt mức 1,014.32 điểm.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo số liệu của Vietstock, VN-Index kết phiên tăng 0.54%, đạt mức 1,014.32 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 1.26%, đạt mức 150.80 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 412 mã tăng và 263 mã giảm.

Trong đó, VHM và VCB là 2 mã có ảnh hưởng tích cực nhất đến sắc xanh của chỉ số, riêng 2 mã này đã đóng góp hơn 3 điểm vào đà tăng hôm nay. Ở chiều ngược lại, BCM, VNM và HPG là những mã kìm hãm đà tăng của thị trường.

Một điểm nhấn đáng chú ý là tính thanh khoản của thị trường khi giá trị giao dịch trên hai sàn niêm yết giữ ở mức cao. Trên HoSE, thanh khoản đạt hơn 14.300 tỷ đồng, với giá trị khớp lệnh hơn 9.600 tỷ đồng, tương đương hai phiên gần đây, còn giao dịch thỏa thuận tăng đột biến lên hơn 4.600 tỷ đồng. Điều này khá bất ngờ khối ngoại vẫn có xu hướng bán ròng.

Cụ thể, số liệu thị trường cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 1.152 tỷ đồng trên sàn HoSE và mua ròng hơn 2 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu DIG, GMD và NLG trên HoSE. PVS và SHB là những mã bị bán ròng nhiều nhất tại sàn HNX.

Theo ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng nhóm phân tích chiến lược, Công ty cổ phần chứng khoán KIS, có 4 thông tin có thể được xem là động lực chính giúp thị trường tăng trưởng gồm: nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến sau dịch; ảnh hưởng tích cực từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); những chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ và Tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên tăng lên.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra sáng 2/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo khả năng sẽ vượt thu ngân sách và thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 2,5-3%.

Nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước...

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Trong khi đó, theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered, kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020...

Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, nhưng quan trọng hơn, sẽ tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư và tạo động lực tăng trưởng bền vững của thị trường chứng khoán trong thời gian tới.