“Nhà đầu tư ngoại vào Việt Nam, không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân”
"Không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân, mà đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư có thể chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới", TS. Võ Trí Thành cho biết.
7 xu hướng
Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?” cho Nhịp cầu đầu tư tổ chức sáng 5/11 tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đến thời điểm hiện nay và năm tới có nhiều trăn trở biến động, rủi ro, tăng trưởng được dự báo vẫn đà đi xuống dù chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có tiếp tục hay ngừng.
Với Việt Nam, các đối tác thương mại lớn tăng trưởng đi xuống trong 2 - 3 năm tới. Nhiều đánh giá cho thấy năm 2020 hoặc 2021 xảy ra cuộc khoảng hoảng dù không lớn như giai đoạn 2008. Lý do được đưa ra là do có nhiều bong bóng tài chính, chính sách nới lỏng tiền tệ, lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ thấp, thấp hơn lợi suất trái phiếu ngắn hạn, nợ công châu Âu, Mỹ ở mức cao.
Nhìn dài hạn trong khoảng 7 - 8 năm tới, TS. Thành đưa ra 7 xu hướng lớn cho thế giới. Đó là thế giới đa cực cùng gia tăng áp lực địa chính trị, câu chuyện rõ nhất là Mỹ - Trung; cấu trúc dân số già hóa, nổi lên tầng lớn trung lưu trong đó có VN; cách mạng 4.0 chuyển đổi số; FTA còn nhiều trục trặc; cạnh tranh nguồn lực, sự nổi lên của châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ; đồng USD chi phối rồi giảm dần sức mạnh, nổi lên của tiền kỹ thuật số như đồng Libra…
Đề cập tới khó khăn, thách thức, chuyên gia này đánh giá kinh tế toàn cầu đang trong thời kỳ quá độ, gặp phải vấn đề thoát cũ xây mới khó, để thoát được sẽ có chi phí cao. Câu chuyện xung đột đó là thế giới chưa có chuẩn mực dịch chuyển data qua biên giới, gặp 3 vấn đề về sở hữu, quyền tài sản, quyền riêng tư, mà thế giới hiện chưa có lời giải thỏa đáng.
Đối với Việt Nam, ông Thành nêu thành tựu của 30 năm đổi mới, đó là từ nước nghèo sang thu nhập trung bình, từ nông nghiệp sang định hướng công nghiệp - dịch vụ, nông nghiệp chỉ còn chiếm 15% GDP; nền kinh tế từ khép kín sang có độ mở cao, khu vực tư nhân thành động lực, đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế…
Bức tranh kinh tế Việt hiện nay, đó là sự chuyển động chính sách và cải cách với sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng hồi phục tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tái cấu trúc nền kinh tế, hội nhập sâu rộng; tăng trưởng kinh tế kế hoạch 2016 - 2020 là trên 6,5% , ổn định kinh tế vĩ mô 5 năm gần đây tốt, dự trữ ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ trên 72 tỷ USD, thâm hụt ngân sách dưới 3,6%, lạm phát 2019 dưới 4%.
Trả lời câu hỏi nhà đầu tư nhìn thế nào về Việt Nam? Ông Thành đề cập, về đầu tư Việt Nam hiện đứng thứ 8 trên thế giới vì yếu tố chính trị, dân số trẻ, dịch chuyển chiến tranh thương mại, cải cách hội nhập.
“Nhà đầu tư chơi với Việt Nam sẽ dễ dàng chơi với thế giới, vì chúng ta có 16 FTAs. Không chỉ là vấn đề thị trường 100 triệu dân, mà đầu tư vào Việt Nam nhà đầu tư có thể chơi với nhiều nhà đầu tư trên thế giới; với yếu tố lợi thế hạ tầng, nhân lực, đặc biệt sự nhất quán của chính sách”, ông Thành đánh giá.
5 nhóm ngành tiềm năng
TS. Võ Trí Thành chỉ ra 5 nhóm ngành/lĩnh vực của Việt Nam có tiềm năng. Đó là những ngành có lợi thế so sánh truyền thống như dệt may, giày da, điện tử, nông sản và thủy sản; lĩnh vực phục vụ tiêu dùng như phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế, dược; lĩnh vực hỗ trợ mạng sản xuất/chuỗi giá trị, kết nối với doanh nghiệp tiên phong gồm dịch vụ hỗ trợ logistics, công nghiệp hỗ trợ; những ngành lĩnh vực mới nổi như kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế nền tảng fintech; kết cấu hạ tầng và bất động sản gồm bất động sản nhà ở, văn phòng, du lịch, bán lẻ, khu công nghiệp…
Đề cập riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Thành nhận định hiện nền kinh tế vẫn cơ bản dựa vào hệ thống ngân hàng; tái cấu trúc ngân hàng có bước tiến tích cực, nhiều ngân hàng bước vào chuyển đổi số; nợ xấu đến tháng 8/2019 ở dưới 2%, tính cả tại VAMC là dưới 5%.
“Tuy nhiên thị trường tài chính cũng còn không ít vấn đề, đó là Basel II thách thức với nhiều ngân hàng; xử lý vài ngân hàng yếu kém, nợ xấu nhóm 4 - 5 còn cao tại một số ngân hàng. Thị trường cổ phiếu từ phấn khích đến cẩn trọng, thanh khoản giảm đáng kể, 9 tháng 2019 ở mức trên dưới 4.000 tỷ đồng/ngày. Thị trường trái phiếu nhiều nền tảng cơ bản chưa hoàn thiện gồm khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực kế toán, hiệu lực tư pháp, tổ chức định mức tín nhiệm…”, ông Thành nêu.
Trả lời câu hỏi kinh tế Việt Nam năm 2020 bước vào suy thoái hay hưng thịnh? Ông Thành cho rằng năm tới kinh tế Việt Nam giảm tốc là rõ. Ông Thành nhắc lại nhận định cuối 2020 đầu 2021 khủng hoảng nếu xảy ra cũng sẽ không lớn như giai đoạn 2008.
Ngoài ra, 3 quý đầu năm 2019, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,8%, tuy nhiên Thủ tướng nói trước Quốc hội tăng trưởng cả năm 2019 nhiều khả năng đạt 6,8%. Thường quý IV mức tăng trưởng cao hơn các quý trước như vậy tăng trưởng cả năm nay phải 7%. Lý do ở đây đó là chỉ số PMI đơn đặt hàng một số lĩnh vực giảm. Vậy qúy còn lại yếu tố nào quyết định? Đó chính là giải ngân đầu tư công có nhanh hay không.
“Năm 2020, tất cả dự án Việt Nam tăng trưởng 6,6 đến 6,8%, Việt Nam vẫn có thể là điểm sáng nhưng để đạt được 7% là cực khó”, ông Thành nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, TS. Võ Trí Thành nhấm mạnh trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đừng nên xây dựng chiến lược dài hạn mà nên làm ngắn và trung hạn, vì có quá nhiều rủi ro, biến động có thể xảy ra. Doanh nghiệp nên thực hiện dự báo trong khoảng nhất định, có sự điều chỉnh thường xuyên.