Nhà đầu tư trong dự án PPP sẽ được ưu đãi và đảm bảo đầu tư
(Tài chính) Các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ được hưởng đầy đủ các ưu đãi và đảm bảo đầu tư được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức PPP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2015.
Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án cũng sẽ được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sẽ được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai...
Tham gia dự án PPP, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và doanh nghiệp khác sẽ được bảo lãnh nghĩa vụ. Theo tính chất và yêu cầu thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ định cơ quan thay mặt Chính phủ bảo lãnh cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và các nghĩa vụ hợp đồng khác cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án hoặc các doanh nghiệp khác tham gia thực hiện dự án và bảo lãnh nghĩa vụ của các doanh nghiệp nhà nước bán nhiên liệu, nguyên liệu, mua sản phẩm, dịch vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Nhằm tạo sự thuận tiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP, Nghị định nêu rõ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được thế chấp tài sản, quyền sử dụng đất và quyền kinh doanh công trình dự án tại bên cho vay theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự. Tuy nhiên, thời gian thế chấp không vượt quá thời hạn hợp đồng dự án, trừ trường hợp có thỏa thuận khác tại hợp đồng dự án; thỏa thuận thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án phải được lập thành văn bản ký kết giữa bên cho vay và các bên ký kết hợp đồng dự án; việc thế chấp tài sản, quyền kinh doanh công trình dự án không được ảnh hưởng đến mục tiêu, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, tiến độ thực hiện dự án và các điều kiện khác đã thỏa thuận tại hợp đồng dự án.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án còn được bảo đảm cân đối ngoại tệ như: được mua ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối để đáp ứng nhu cầu giao dịch vãng lai, giao dịch vốn và các giao dịch khác hoặc chuyển vốn, lợi nhuận, các khoản thanh lý đầu tư ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Theo đó, căn cứ định hướng phát triển kinh tế xã hội, chính sách quản lý ngoại hối, khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ và mục tiêu, tính chất của dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chỉ định cơ quan bảo đảm cân đối ngoại tệ cho các dự án trên cơ sở đề xuất của Bộ, ngành và địa phương.
Ngoài ra, việc cung cấp các dịch vụ công cộng cũng sẽ được đảm bảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án. Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được sử dụng đất đai, đường giao thông và các công trình phụ trợ khác để thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có khan hiếm về dịch vụ công ích hoặc có hạn chế về đối tượng được sử dụng công trình công cộng, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được ưu tiên cung cấp các dịch vụ hoặc được ưu tiên cấp quyền sử dụng các công trình công cộng để thực hiện dự án. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện các thủ tục cần thiết để được phép ưu tiên sử dụng dịch vụ và các công trình công cộng.
Quyền sở hữu tài sản cũng được đảm bảo nhất định. Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư sẽ không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư sẽ được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và các điều kiện thỏa thuận tại hợp đồng dự án.