Nhà đầu tư Việt mua cổ phần doanh nghiệp để "nhắm" đất vàng?
Không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thời gian qua có rất nhiều ý kiến cho rằng cứ bán công ty cho nhà đầu tư ngoại là coi như “mất tất” hoặc “mất thương hiệu.” Tuy vậy, theo ông, việc đánh giá cái được, cái mất cần phải thực hiện một cách toàn diện.
Đây là nội dung trong tham luận của ông Long trình bày tại Diễn đàn Tái cơ cấu Doanh nghiệp nhà nước sáng 8/8 tại Hà Nội.
Vị chuyên gia kinh tế chỉ ra, thời gian vừa qua, nhiều vụ việc bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước cũng đã để lại những bài học như trường hợp cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS).
Nhà đầu tư chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy (Vivaso), theo ông Long, là không hề có kinh nghiệm và khả năng trong lĩnh vực sản xuất phim.
Theo ông, không ít những nhà đầu tư chiến lược Việt khác tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Ông Long cho rằng, trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại sẽ không thực sự quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư.
Điều ưu tiên theo ông là nhà đầu tư phải có công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm, cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt.
"Có như vậy thì quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới thực sự trở thành công cụ hiệu quả giúp Nhà nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn theo đúng chủ trương, chính sách mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đề ra," vị chuyên gia kinh tế chỉ ra.
Nhìn rộng hơn, theo ông Long, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian qua bị chậm lại có thể do những nguyên nhân khách quan như nhiều quy định pháp lý chặt chẽ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa…
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng nhắc tới nội dung này. Theo ông, trong quá trình triển khai, những cơ chế mới chặt chẽ nhưng vô hình chung lại đưa ra nội dung quá chặt chẽ, thận trọng.
Trước đó, theo công bố của Bộ Tài chính, tính tới hết quý 2 năm nay, mới có 35/127 doanh nghiệp trong danh mục được duyệt thực hiện cổ phần hóa. Số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa tới năm 2020 là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.
Ông Tiến khẳng định, cơ quan chức năng sẽ rà soát cơ chế chính sách để hướng dẫn bổ sung làm rõ các quy định.
"Cơ chế thì chung cho doanh nghiệp Nhà nước nhưng triển khai thì mỗi doanh nghiệp lại khác nhau. Tới đây, ta phải cổ phần hóa, thoái vốn tại các tập đoàn tổng công ty quy mô vốn lớn, đa ngành sẽ có vấn đề mang tính đặc điểm riêng," ông Tiến nói.