Nhà giàu mới nổi ở Myanmar
(Tài chính) Ở Myanmar, người ta có thể nhìn thấy những chiếc Ferraris, Bentleys, Porsches và thậm chí là Bugatti Veyron bên cạnh những chiếc xe taxi cũ kỹ.
Đó là một buổi tối thứ 7 yên ắng ở cầu tàu Wardan thuộc thành phố Yangon. Các công nhân làm việc ở bến tàu đã ngừng chất và dỡ các sọt hàng từ những chiếc thuyền đánh cá ọp ẹp. Nhóm người bán rau ngồi trầm ngâm bên bờ sông Yangon trong khi các tài xế xích lô cũng đã ngừng mời chào chèo kéo khách hàng.
Thay vào đó, người dân lao động nơi đây tập trung quan sát những người ăn mặc sang trọng đến từ Hồng Kông, London và nhiều nơi khác đang rảo bước trên con đường lầy lội. Điểm đến của họ là Transit Shed 1 – cửa hàng có mái tôn lượn sóng và mặt tiền màu xanh không hề ăn nhập với khung cảnh xung quanh.
Khung cảnh ở bên trong Transit Shed 1 (hay TS1) dường như là một thế giới hoàn toàn khác so với phần còn lại của Myanmar – một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất ở châu Á.
TS1 mở cửa vào buổi tối với một phần là không gian triển lãm nghệ thuật và một phần là cửa hàng bán lẻ. Là “đứa con tinh thần” của Ivan Pun – con trai út 29 tuổi từng theo học ĐH Oxford của một trong những nhà tài phiệt giàu nhất Myanmar, TS1 được hy vọng sẽ tạo nên một vẻ đẹp mới cho thành phố vốn đang trong quá trình chuyển đổi cả về chính trị và kinh tế sau gần 6 thập kỷ đóng cửa.
Tuy nhiên, đi kèm với TS1 là mức giá khiến nhiều người phải “mở to mắt”. Một chiếc ghế băng đóng bằng gỗ tếch được bán với giá 2.500 USD. Các món đồ được bán ở đây với thương hiệu MyanamarMade. Không chỉ có vậy, nơi đây sắp đón một loạt các nhà thiết kế thời trang cao cấp như Proenza Schouler (tác giả của những chiếc túi xách trị giá hàng nghìn USD) hay Prabal Gurung (nhà thiết kế thời trang người Mỹ được Michelle Obama và công nương Kate ưa thích).
“Chúng tôi muốn kiểm nghiệm xem liệu Myanmar đã thích ứng với những thứ như thế này hay chưa. Người tiêu dùng đang ở trong cơn khát và họ chưa bao giờ được thỏa mãn”, Pun nói.
Quan điểm của Pun chỉ là khởi đầu của một Myanmar mới mẻ và hào nhoáng với những nét quyến rũ được tạo ra bởi nhóm người hồi hương giàu có. Năm 2011, khi chính phủ mới lên cầm quyền và Myanmar chính thức cải cách, họ trở về quê hương. Trong khi Myanmar mở cửa đón nhận đầu tư nước ngoài và được dỡ bỏ các lệnh cấm vận, phong cách tiêu dùng theo kiểu phương Tây lần đầu tiên xuất hiện ở Myanmar sau hơn 1 thế hệ và những người như Pun đang đóng vai trò tạo nên thị hiếu.
Pun không hề nao núng khi GDP bình quân đầu người của Myanmar hiện chỉ ở mức 1.700 USD mỗi năm, thấp hơn rất nhiều so với mức 62.400 hay 52.800 USD của Singapore và Mỹ. Ở ngay phía sau TS1, những đứa trẻ đang tìm kiếm đồ chơi ở bãi rác gần đó.
Đóng cửa với thế giới bên ngoài trong thời gian quá lâu, Myanmar đang giống với quá khứ của một số nước như Nga, Việt Nam và Trung Quốc. Các cải cách kinh tế đang tạo nên những cơ hội rất lớn khi chính phủ cấp giấy phép hoạt động cho mọi ngành, từ ngân hàng tới khai thác dầu khí hay mạng di động. Theo Wealth-X, hiện ở Myanmar có khoảng 40 cá nhân được coi là siêu giàu với tài sản từ 30 triệu USD trở lên. Tuy nhiên, con số này có thể tăng gấp 7 lần trong thập kỷ tới. Tốc độ này cao hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Trên đường phố Myanmar đã xuất hiện những dấu hiệu của sự giàu có. Sau khi lệnh cấm nhập khẩu ô tô được dỡ bỏ, các showroom trưng bày những chiếc xe hơi hạng sang như Rolls Royce hay xe thể thao Jaguar. Người ta có thể nhìn thấy những chiếc Ferraris, Bentleys, Porsches và thậm chí là Bugatti Veyron bên cạnh những chiếc xe taxi cũ kỹ.
Giá bất động sản ở Yangon tăng chóng mặt.Một căn nhà 2 tầng với 4 phòng ngủ ở đây được cho thuê với giá 10.000 USD/tháng. Các gia đình đang phá đi những ngôi nhà 1 tầng có từ thời Myanmar còn là thuộc địa để xây dựng những ngôi nhà lớn hơn. Thanh niên Myanmar tụ tập ở các câu lạc bộ đêm với đồ uống phổ biến là rượu Johnnie Walker nhãn xanh dương.
Myanmar cũng trở thành điểm nóng mới đối với các công ty quản lý tài sản và các nhãn hiệu xa xỉ khao khát tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Người dân Myanmar chỉ tiêu 1,9 triệu USD cho tiền rượu trong năm ngoái nhưng con số được dự báo sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2018. “Myanmar là nền kinh tế cuối cùng của châu Á có tiềm năng tăng trưởng lớn đến vậy”, Euromonitor nhận xét.
Bố của Pun là doanh nhân trong ngành bất động sản và ngân hàng có tài sản tăng từ 100 lên 600 triệu USD chỉ trong 1 năm. “Đến tôi cũng không nhận ra mọi người lại giàu có đến vậy. Khi bạn tới những chỗ đông người, đặc biệt là đám cưới, và nhìn thấy những hàng dài xe Ferraris và BMW ở bên ngoài – mọi người không ngại thể hiện sự giàu có”.
Tuy nhiên, ở đây tồn tại một câu hỏi lớn: liệu Myanmar có thể “hấp thụ” lượng của cải mới này mà không mắc phải nhược điểm đang đe dọa đến sự ổn định của các nền kinh tế mới nổi khác.
Có ý kiến cho rằng Myanmar mở cửa chỉ có lợi cho tầng lớp có quan hệ với chế độ cũ. Một số lãnh đạo doanh nghiệp ở Myanmar vẫn bị phương Tây cấm vận bởi có liên quan đến buôn lậu ma túy, tham nhũng hoặc lãng phí tài nguyên.
“Những khoản tiền “bẩn thỉu” mà mọi người che giấu bấy lâu nay đang được tung ra. Đây là cuộc cạnh tranh của những người giàu: một người mua Ferrari và người khác sẽ mua Bentley, một người xây biệt thự 5 tầng và người hàng xóm kế bên sẽ xây nhà 6 tầng. Chúng tôi không cần World Bank hay IMF mà cần những người siêu giàu này chi tiền theo cách khôn ngoan”, nhà hoạt động dân chủ Cheery Zahau nói.