Nhà máy Tinh bột sắn Kon Tum: thành công nhờ tích hợp ISO 9001, 14001 và công cụ Kaizen

Nga Phạm

Nhờ tích hợp 2 tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 và Kaizen, Nhà máy Tinh bột sắn Kon Tum đã tiết kiệm được 41 triệu đồng chi phí tái chế, đồng thời giảm chi phí đánh giá chứng nhận, giám sát hàng năm.

Việc tích hợp giúp đảm bảo cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của đối tác, khách hàng.
Việc tích hợp giúp đảm bảo cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của đối tác, khách hàng.

Tiêu chuẩn ISO 9001 là hệ thống quản lý chất lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu của khách hàng thông qua việc tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, tiêu chuẩn ISO 14001 là hệ thống quản lý môi trường nhằm đánh giá và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Theo các chuyên gia, về cơ bản, ISO 9001 và ISO 14001 đều được xây dựng từ nền tảng là chu trình Plan-Do-Check-Act (PDCA). Ở tiêu chuẩn ISO 9001, các nội dung tương ứng là: Quản lý tài nguyên – Thực hiện sản phẩm – Đo lường, phân tích và cải tiến – Trách nhiệm quản lý. Còn trong tiêu chuẩn ISO 14001, các nội dung lần lượt là: Chính sách và Quy hoạch môi trường – Thực hiện và hoạt động – Kiểm tra – Quản lý đánh giá. Cả 2 tiêu chuẩn đều yêu cầu thiết lập một chính sách tổng thể với mục tiêu rõ rành, trong đó xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các thành viên. 2 tiêu chuẩn này đều chú trọng vào đào tạo và nâng cao nhận thức. ISO 9001 và ISO 14001 cùng yêu cầu về truyền thông, kiểm soát hệ thống tài liệu và hồ sơ. Đánh giá quản lý hệ thống là đòi hỏi bắt buộc với cả 2 tiêu chuẩn. Đồng thời phải theo dõi, đo lường và thực hiện các hành động khắc phục, phòng ngừa, cải tiến.

Việc kết hợp 2 hệ thống ISO 9001 và ISO 14001 đang là sự lựa chọn tối ưu với nhiều doanh nghiệp. Những điểm tương đồng cho phép tiết kiểm thời gian và tiền bạc khi triển khai đồng bộ 2 tiêu chuẩn. Còn những điểm khác biệt không những không gây cản trở mà còn góp phần gia tăng sức mạnh cho hệ thống.

Sau 12 tháng triển khai, Nhà máy Tinh bột sắn Kon Tum đã áp dụng thành công mô hình và đủ điều kiện đánh giá chứng nhận ISO 9001:2015 và ISO 14001:2015.  Thực tiễn cho thấy, do Công ty đặt vị trí gần khu dân cư nên việc kiểm soát chất thải có yêu cầu nghiêm ngặt. Theo đó, để nước thải đầu ra phải đạt loại A, Nhà máy lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Với thống này, Nhà máy kiểm soát được việc xả thải triệt để, đảm bảo môi trường, cảnh quan xung quanh. Trước khi xây dựng hệ thống quản lý tích hợp, Nhà máy thường xuyên bị phạt hoặc nhắc nhở về công tác môi trường. Sau khi triển khai xây dựng hệ thống quản lý môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước thải đảm bảo khu vực thoát nước thải vào đúng nơi quy định, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Đối với khu vực phân loại chất thải, trước áp dụng, các thùng chứa rác thải chưa được phân loại tách riêng để vào khu vực chứa chất thải riêng, sau áp dụng, nhà máy đã có quy định rõ về phân loại và xử lý chất thải, rác thải…

Việc tích hợp các hệ thống quản lý đã giúp nhà máy đơn giản hóa được các thủ tục và tránh phát sinh nhiều hồ sơ trong quá trình áp dụng, đồng thời vẫn đảm bảo việc cung cấp các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của đối tác, khách hàng. Nhân viên của công ty đã hiểu và áp dụng đúng các quy trình, đồng thời bước đầu xây dựng được thói quen làm việc khoa học, năng suất, an toàn. Ngoài ra, hệ thống quản lý tích hợp còn đem lại rất nhiều lợi ích cho nhà máy, trong đó phải kể đến việc đảm bảo sự nhất quán, hiệu quả về mô hình và cấu trúc tổ chức, nhân sự (cắt giảm, tiết kiệm 50% nhân lực vận hành hệ thống); giảm chi phí đánh giá chứng nhận, giám sát hàng năm; tinh giảm thời gian cho việc tiếp đón các đoàn đánh giá. Theo đánh giá, kết hợp công cụ năng suất chất lượng Kaizen làm nền tảng giúp cho Nhà máy Tinh bột sắn Kon Tum tiết kiệm được 41 triệu đồng chi phí tái chế do giảm tỷ sản phẩm không phù hợp từ 3,69% xuống còn 1,99%, tương ứng với  410 tấn. Đặc biệt, sau khi mô hình tích hợp 2 tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 và Kaizen chính thức được áp dụng vào thực tế, cán bộ, nhân viên trong toàn nhà máy đã cảm thấy rõ ràng sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày. Hệ thống hồ sơ, tài liệu được xây dựng, ban hành để áp dụng đầy đủ, hợp lý, sát thực tế, bao gồm: chính sách, mục tiêu chất lượng và môi trường; sổ tay chất lượng và môi trường cùng với gần 20 quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015 (quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát tài liệu, quy trình xem xét các yếu tố môi trường, quy trình kiểm soát rác và chất thải, quy trình xử lý tình huống khẩn cấp…); 100% các sản phẩm sản xuất ra được kiểm soát về mặt chất lượng, thông qua việc xây dựng các bước kiểm soát thành quy trình và được phổ biến thực hiện nghiêm túc; Thường xuyên cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các quy định, quy chế về môi trường; Nâng cao hiệu quả trong quản lý rủi ro, bao gồm và phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro.

Như vậy, việc lựa chọn hệ thống quản lý tích hợp chất lượng và môi trường, kết hợp công cụ Kaizen phù hợp đã góp phần thúc đẩy đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động năng suất – chất lượng của doanh nghiệp.