Doanh nghiệp cải tiến liên tục nhờ áp dụng Kaizen
Kaizen được biết đến rộng rãi như một nền tảng thân thiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, cải tiến liên tục quy trình kinh doanh, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp nhất.
Công vụ cải tiến liên tục Kaizen được áp dụng từ những năm cuối của thế kỷ 20 tại một số rất ít doanh nghiệp Việt Nam. Đến khi Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp về nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa được thực hiện thì công cụ cải tiến này mới được triển khai thí điểm, nhân rộng ở nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, sản xuất, gia công, chế biến thông qua các dự án, các nhiệm vụ khoa học công nghệ của chương trình.
Kaizen được nhiều doanh nghiệp quan tâm và ứng dụng để giải quyết các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình sản xuất, dịch vụ và kinh doanh. Ví dụ như khi áp dụng Kaizen, còn khá nhiều doanh nghiệp coi như một công cụ cải tiến những vấn đề nhỏ, lẻ, những bất hợp lý dễ dàng phát hiện, mà thiếu cách thức triển khai ứng dụng công cụ một cách bài bản và hệ thống của việc ứng dụng công cụ này. Kaizen là hoạt động có định hướng ứng dụng về thực hiện những biến đổi có tính thực tiễn. Khi áp dụng Kaizen nhóm triển khai của doanh nghiệp còn chưa dám nghĩ đến vấn lớn. Còn chú ý nguyên lý chia vấn đề lớn thành từng phần nhỏ, cải tiến kết quả từng phần vid thây đổi nhỏ, liên tục sẽ được thay đổi lớn.
Những ưu điểm, kết quả mang lại cho các doanh nghiệp áp dụng Kaizen là rất cụ thể, đáng khích lệ và góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa của Chương trình. Đơn cử như Công ty CP Bao bì Thủ đô, nhờ có phương pháp này mà doanh nghiệp đã nâng cao trình độ, năng lực của người lao động, cán bộ quản lý các cấp, người lao động đã được tiếp cận với phương pháp cải tiến năng suất tiên tiến, đã hiểu và áp dụng có hiệu quả tại doanh nghiệp. Thái độ, tình thần làm việc của người lao động được thay đổi, từ việc làm việc một cách thụ động, người lao động đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, đề xuất các giải pháp, cải tiến mới phục vụ công việc, tiết kiệm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp. Tâm lý ngại thay đổi, bảo thủ đã được thay thế bằng văn hóa đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn chia sẻ, lan tỏa tri thức. Người lao động vui vẻ, tích cực tham gia các dự án cải tiến, không khí làm việc sôi nổi, hăng say.
Thông qua thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen, Công ty đã xác định được lộ trình thực hiện nâng cao năng suất trong 5 đến 10 năm tới, trong đó trọng tâm là thực hiện đào tạo liên tục cho người lao động về các công cụ cải tiến năng suất, xây dựng văn hóa đổi mới tại doanh nghiệp và đưa cải tiến năng suất trở thành phong trào mang tính rộng khắp.
Có thể nói, việc nhận thức đầy đủ về công cụ cải tiến này và áp dụng cho hiệu quả còn nhiều điều cần bàn. Đặc biệt cần đổi mới cách thức triển khai công cụ Kaizen ở doanh nghiệp trong thời gian tới. Khi giải quyết vấn đề, lựa chọn phương án giải quyết cần chú ý không bám vào một phương pháp, cách thức duy nhất. Cần thay đổi các yếu tố hoặc thay thế các điều kiện với góc nhìn khác nhau để có giải pháp lựa chọn tốt hơn. Kaizen là quá trình cải tiến được thực hiện liên tục ở nơi làm việc. Cần áp dụng đầy đủ các giai đoạn của chu trình cải tiến PDCA (P – Hoạch định, D – Thực hiện, C – Kiểm tra, A – Hành động điều chỉnh, tiếp tục), đặc biệt là giai đoạn C và giai đoạn A để đảm bảo nguyên tắc liên tục của Kaizen.
Trong quá trình triển khai Kaizen, cần tạo thói quen cho người lao động xem xét các công việc, các hoạt động, các quy trình hiện trạng một cách ý thức. Đây vừa là động cơ vừa là cơ hội khám phá hiện tại để cải tiến thao tác, cách thực hành công việc dễ dàng hơn để tránh lãng phí… đưa đến hiệu năng cao hơn về năng suất chất lượng sản phẩm, môi trường làm việc tốt hơn và tâm thế người lao động được đề cao.