Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ
Ngày 8/8, gần 1.200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài hơn 1 năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ đời sống, kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Hiện nay, dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nghiêm trọng khó lường do chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn.
Trong phạm vi, quyền hạn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và bảo đảm an dân. Nhờ đó, kinh tế xã hội 7 tháng đầu năm vẫn đạt một số kết quả tích cực.
Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay.
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, các doanh nghiệp tại Hội nghị khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn eo hẹp, Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Bên cạnh đó, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đã phản ánh các vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu mà doanh nghiệp đang phải đối mặt cần chia sẻ.
Đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề nghị các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống...
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, dịch bệnh đã làm cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vắc xin đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy;…
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng, điều quan trọng nhất thời gian tới với ngành Du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới khi Việt Nam tiêm đủ vắc xin cho đa số người dân.
Nhiều ý kiến hiệp hội ngành hàng đề nghị cần có các chỉ đạo cụ thể trong thống kê, kiểm kê, đánh giá hàng tồn kho; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ở những ngành hàng, lĩnh vực có lực lượng lao động lớn; bảo đảm duy trì các đường dây nóng hoạt động 24/24, nhất là xử lý nhanh vấn đề ách tắc hàng hóa trong lưu thông, phân phối; đưa nhóm mặt hàng điện tử, linh kiện điện tử vào luồng xanh; thống nhất trên toàn quốc các tiêu chí về vùng xanh; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng về lao động, việc làm...
Đồng quan điểm với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam, phát biểu tại Hội nghị, đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; cho rằng những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý, giải quyết rất kịp thời. Những nội dung mà Chính phủ Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng cam kết.
Cộng đồng doanh nghiệp FDI cùng thể hiện mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vắc xin phòng COVID-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với tinh thần đồng hành với doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, hàng quan trọng như điện tử, dệt, may, giày dép, máy móc thiết bị, thủy sản... đến các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU... các doanh nghiệp trong nước đang khai thác hiệu quả các lợi thế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương.