Nhà nước nên là khách hàng đầu tiên của startup
Các khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DN KNST) - startup là có được đơn hàng đầu tiên, là thương mại hóa sản phẩm, thâm nhập thị trường.
Trong khi đó, các cơ quan nhà nước hàng năm vẫn chi hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển, mua sắm tài sản. Nếu có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho DN KNST tham gia gói thầu mua sắm công thì bước khởi đầu cho công nghệ Việt lớn mạnh sẽ bớt nan giải hơn rất nhiều.
Công nghệ trong nước đạt chuẩn, cơ quan nhà nước có mua không?
“Hiện chúng ta đã làm được ô tô, vậy nếu xe Việt Nam đạt tiêu chuẩn sản phẩm quốc gia, các cơ quan nhà nước có mua để sử dụng không?”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng nêu vấn đề tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia diễn ra giữa tuần trước.
Vấn đề mà Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đặt ra cũng là mối quan tâm của rất nhiều DN KNST. Bởi “vạn sự khởi đầu nan”, thương mại hóa sản phẩm là bài toán khó đối với nhiều DN KNST.
Đại diện một DN trong lĩnh vực xử lý rác thải chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu rằng, công nghệ mới của họ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chứng nhận, đã vận hành thử nghiệm thành công, nhưng khi tham gia đấu thầu dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc gói thầu sử dụng vốn nhà nước lại không thể đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT).
Ví dụ, quy định về hợp đồng tương tự đã gạt ngay DN KNST mà công nghệ chưa thương mại hóa; hay nhiều điều kiện trong HSMT quy định rõ về công nghệ sử dụng cũng sẽ chặn cơ hội của công nghệ mới; đối với những gói thầu, dự án lớn thì quy định bảo đảm dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng cũng là những chi phí rất lớn mà DN KNST khó xoay sở được... DN KNST vướng phải chuyện con gà - quả trứng: công nghệ mới chưa thương mại hóa cần hợp đồng đầu tiên để có thể thương mại hóa, đi vào vận hành, nhưng đấu thầu lại yêu cầu phải có năng lực và kinh nghiệm.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam” diễn ra ngày 29/11/2018, nhiều DN KNST đã đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ thiết thực để hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả, trong đó có quy định mở về đấu thầu, mua sắm công khi mua các công nghệ của startup. Chia sẻ tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiêm túc tiếp thu các đề xuất và “cần thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo và khởi tạo. Khởi tạo ở đây là chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với các DN đổi mới sáng tạo, vì đây là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm và nhiều rủi ro”.
Lợi đôi đường
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, có 221 nghìn gói thầu thực hiện trong năm 2017 với tổng giá trị trúng thầu hơn 520 nghìn tỷ đồng. Nếu như các DN KNST có thể tham gia chỉ một phần nhỏ trong số này thì cơ hội thương mại hóa sản phẩm và thị trường cho công nghệ Việt sẽ lớn hơn.
Chính sách hỗ trợ DN KNST trong mua sắm công đã được áp dụng ở nhiều nước. Nghiên cứu của Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, biện pháp hỗ trợ startup phổ biến nhất ở các nước Nam Mỹ là chính phủ tạo điều kiện để startup tham gia các gói thầu công, tổ chức đấu thầu qua thi thiết kế ý tưởng.
Bộ KH&CN cũng cho rằng, một trong những giải pháp hỗ trợ startup là Nhà nước nên trở thành người mua của DN KNST. Bộ KH&CN dẫn ý kiến của ông Tony Bùi, chuyên gia tư vấn về chính sách tài chính cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhà nước chính là khách hàng lớn nhất của DN KNST. Nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách về mua sắm công dành cho DN KNST như Anh, Australia, Hoa Kỳ, Canada. Ví dụ, chương trình hỗ trợ DN SBIR của Hoa Kỳ kết hợp giữa việc tài trợ không hoàn lại và mua sắm công từ DN nhỏ và vừa sáng tạo. Nhà nước đưa ra các vấn đề cần giải quyết về mặt công nghệ và cung cấp tài trợ cho những đề xuất tốt từ nhiều startup. Sau đó theo sát quá trình phát triển công nghệ, phát triển mô hình kinh doanh của startup, lựa chọn những startup có giải pháp hoàn thiện, phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề của Chính phủ và sản phẩm của startup đó sẽ được Chính phủ mua lại.
Bộ KH&CN dẫn thêm quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mua sắm công như vậy là rất hiệu quả trong việc hỗ trợ startup có khách hàng đầu tiên, chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình trên thị trường, từ đó dễ dàng hơn trong thu hút các nguồn vốn đầu tư tiếp theo từ tư nhân. Ngoài ra, việc Nhà nước mua sắm từ startup sẽ rất có lợi cho Nhà nước khi được tiếp cận các công nghệ, giải pháp phù hợp với các vấn đề quan trọng một cách nhanh chóng và với chi phí thấp hơn nhiều so với việc mua các giải pháp có sẵn, đặc biệt là giải pháp công nghệ từ nước ngoài.
Theo Bộ KH&CN, Việt Nam nên xem xét ban hành hành lang pháp lý và các chính sách liên quan đến mua sắm công từ DN KNST, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng ở cấp quốc gia lẫn địa phương như môi trường, giáo dục, y tế…