Kiều hối theo chân Việt kiều khởi nghiệp
Khoảng 70% kiều hối về Việt Nam chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong đó một tỷ lệ khá lớn đến từ các dự án khởi nghiệp của Việt kiều trẻ
Hấp lực của thị trường “quê hương”
Tại diễn đàn đối thoại giữa chính quyền TP. Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp kiều bào trên địa bàn vừa được tổ chức mới đây, đại diện Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây làn sóng kiều bào trở về quê hương khởi nghiệp ngày càng trở nên mạnh mẽ. Chỉ tính riêng khu vực TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh trên địa bàn đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ và khoảng 760 doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành. Trong số này có khá nhiều các dự án xuất phát từ các ý tưởng khởi nghiệp của các Việt kiều trẻ tuổi về nước từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, Canada, Australia…
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, những thống kê và nhận định trên hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ trong vòng 3 năm gần đây, tại khu vực TP. Hồ Chí Minh đã có sự xuất hiện của hàng trăm mô hình khởi nghiệp do các Việt kiều trẻ tuổi khởi xướng và đầu tư. Có thể kể ra những doanh nghiệp tiêu biểu và đã khá thành công trên thị trường như: Công ty Pops Worldwide chuyên về phân phối và quản lý nội dung âm nhạc của Esther Nguyễn (Việt kiều Mỹ); mô hình hỗ trợ du lịch trực tuyến Christinas của Thu Nguyễn (Việt kiều Mỹ); ứng dụng WisePasscủa Lam Tran (Việt kiều Pháp) hay mô hình khởi nghiệp với thương hiệu nệm foam chất lượng cao Ru9 của cặp vợ chồng Trang Đặng và Vinh Nguyễn (Việt kiều Australia)…
Khi được hỏi về ý tưởng trở về quê khởi nghiệp, hầu hết các Việt kiều trẻ tuổi đều cho rằng, với kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn có được từ các thị trường phát triển, việc quay về Việt Nam đầu tư sẽ là một thuận lợi rất lớn.
Eddie Thai – một Việt kiều về nước từ Mỹ chia sẻ rằng, anh từng nghĩ quê hương chỉ là nơi để “nghỉ hưu dưỡng già”, nhưng sau khi về nước anh đã thấy được cơ hội kinh doanh hiếm có trong lĩnh vực tài chính và dốc vốn thành lập Quỹ 500 startups Việt Nam. Giờ thì Eddie Thai sở hữu một quỹ đầu tư với nguồn vốn gần 10 triệu USD và đang đầu tư vào hàng trăm DN khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực.
Trong khi đó, Lars Jankowfsky, nhà sáng lập người Đức của startup NFQ Asia với 3 năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những người hồi hương khởi nghiệp có thể xem là “siêu vũ khí bí mật của quốc gia”. Bởi những mô hình khởi nghiệp trên các nền tảng công nghệ số như Christinas, WisePass… dễ dàng thành công khi sở hữu những nhà sáng lập là Việt kiều hoặc người nước ngoài và có sự hợp tác với các tập đoàn kinh tế chia sẻ.
Cần cởi mở điều kiện thu hút vốn
Theo những thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong vòng 10 tháng đầu năm 2018, lượng kiều hối chuyển qua các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Trong các tháng cuối năm lượng kiều hối có xu hướng tăng mạnh, nên dự báo sẽ đạt con số khoảng 5,2 tỷ USD cho cả năm 2018.
Đại diện NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, kiều hối chuyển về nước thời gian qua chủ yếu từ thị trường Mỹ (chiếm khoảng 60%), các nước châu Âu chiếm khoảng 19%, còn lại là các thị trường khác... Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 70 - 72%, 22% đổ vào lĩnh vực buôn bán bất động sản và số còn lại là hỗ trợ người thân.
Trong khi đó, Báo cáo của WB (công bố cuối năm 2017) cũng đồng tình quan điểm này khi cho rằng hiện Việt Nam là nước đứng thứ 10 thế giới về lượng kiều hối nhận về hàng năm. Trong vòng 10 năm trở lại đây (2007-2017) lượng kiều hối về Việt Nam tăng gấp đôi và có sự chuyển dịch mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh. Trong đó, đầu tư bất động sản và rót vốn vào các dự án khởi nghiệp chiếm tỷ lệ áp đảo.
Thừa nhận những chuyển dịch tích cực này nhưng đại diện Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh vẫn cho rằng, hầu hết các dự án khởi nghiệp của Việt kiều trẻ hiện nay đều vấp phải những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư. Đa số Việt kiều trẻ sinh ra và lớn lên ở môi trường nước ngoài nên khá e ngại các thủ tục hành chính đầu tư phải đi lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian và phải tốn nhiều chi phí không chính thức mới được phê duyệt. Đơn vị này thống kê, trong số 3.000 dự án đầu tư của Việt kiều (tính đến cuối năm 2017) thì chỉ có khoảng 2/3 dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Số còn lại gặp vướng mắc trong thủ tục đăng ký, phải chờ đợi, xét duyệt nên các nhà đầu tư tỏ ra khá lo ngại và cân nhắc trong việc rót vốn.
Để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp tại thị trường trong nước của Việt kiều trẻ, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng, nhà nước cần tạo ra những đột phá về chính sách đối với Việt kiều và kiều hối. Theo đó, Luật Nhà ở nên cởi mở để Việt kiều có thể mua nhà tại Việt Nam nhiều hơn, tạo điều kiện giao lưu, gắn bó với quê hương. Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư, trong thời gian tới các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp.
Trong khi đó, TS. Lê Hoài Quốc - Trưởng ban Quản lý khu công nghệ cao Sài Gòn Hi-Tech Park cho rằng, hiện nay những quy định khuyến khích đầu tư của Việt kiều đã khá hoàn thiện với nhiều ưu đãi. Tại TP. Hồ Chí Minh việc cấp thị thực tối đa 5 năm cho Việt kiều về nước đầu tư và miễn thuế nhập khẩu cho xe đã qua sử dụng đã được áp dụng ở Sài Gòn Silicon City. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, những nút thắt trong thủ tục đầu tư và các chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nhân Việt kiều vẫn còn khá phức tạp và khó tiếp cận. Việc này dẫn tới lãng phí nhiều cơ hội đầu tư và bỏ qua nguồn lực đáng kể từ dòng kiều hối hàng năm.