Nhà ở cao cấp đang dư thừa, phân khúc bình dân vẫn thiếu hụt
Bộ Xây dựng thừa nhận, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Theo Báo cáo Tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 của ngành xây dựng, năm vừa qua, hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước.
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016); đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38 - 40%). Hiện cả nước có 813 đô thị (tăng 11 đô thị so với năm 2016).
Thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn.
Tổng số dự án bất động sản đang triển khai là 3.077 dự án với vốn đầu tư khoảng 3,3 triệu tỷ đồng, sử dụng 79.943 ha đất. Dư nợ tín dụng bất động sản đến quý III/2017 khoảng 447 tỷ đồng, chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ tín dụng và ở trong ngưỡng an toàn. Cơ cấu tín dụng và tiêu chuẩn vay kinh doanh bất động sản được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tính đến hết năm 2017, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4m2 sàn/người, tăng 0,6m2 sàn so với năm 2016, trong năm 2017 đã hoàn thành thêm khoảng 0,19 triệu mét vuông NƠXH tại khu vực đô thị, đưa tổng diện tích nhà ở xã hội (NƠXH) khu vực đô thị đạt khoảng 3,49 triệu mét vuông.
Các chương trình NƠXH đã được nhiều địa phương tích cực triển khai. Trong năm 2017, đã có thêm 05 dự án NƠXH cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp hoàn thành, với quy mô khoảng 1.225 căn; 16 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng với quy mô khoảng 5.200 căn hộ.
Về chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, đã có 89/95 dự án nhà ở sinh viên hoàn thành đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng gần 220.000 sinh viên (trong năm 2017 đã hoàn thành 01 dự án, giải quyết chỗ ở cho 20.000 sinh viên), 06 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện . Số lượng sinh viên, học sinh đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 83%.
Cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng chưa chặt chẽ
Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh từng bước nhưng chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.
Một số loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel, shop-house... chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, có biểu hiện lợi dụng, thao túng của chủ đầu tư với khách hàng.
Việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển NƠXH còn chậm và gặp nhiều khó khăn sau khi chấm dứt gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, trong khi lượng vốn bố trí hỗ trợ NƠXH (theo quy định của Luật Nhà ở) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 rất thấp và triển khai chậm so với kế hoạch. Tiến độ thực hiện cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ còn chậm.
Thêm đó, chất lượng một số công trình xây dựng còn thấp, tập trung chủ yếu ở công trình có quy mô nhỏ, các công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách do tư nhân quản lý. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn xảy ra ở một số địa phương. Việc xử lý, khắc phục các sai phạm sau kết luận thanh tra, kiểm tra, nhất là đối với một số vụ việc được dư luận quan tâm chưa kịp thời, dứt điểm.
Bên cạnh đó, chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, đô thị còn thấp. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh.
Công tác lập, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại một số đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ; công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị còn hạn chế; tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.
Đặc biệt, vấn đề phát triển đô thị không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, một số nội dung không theo quy hoạch, kế hoạch. Chưa đảm bảo sự kết nối giữa đô thị và vùng, nhất là về hạ tầng khung.