Nhà ở xã hội: Hiệu ứng từ dòng tín dụng ưu đãi
(Tài chính) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo, đôn đốc kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân tín dụng hỗ trợ nhà ở.
Dòng chảy vốn khơi thông
Căn hộ hai phòng ngủ, tổng diện tích chỉ 56 m2 trên tầng 24 của Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ đang được đôi vợ chồng trẻ Hưng - Thương sửa sang để dọn về ở. Đồ đạc ở nhà trọ không nhiều, nên chỉ tận dụng được chiếc giường cưới và một số đồ điện. Đa phần tủ bếp, tủ quần áo… phải sắm mới.
Khoản chi một lúc gần trăm triệu đồng là quá sức với đôi vợ chồng công chức Nhà nước này, nhưng có nhà là một hiện thực của giấc mơ mà không nhiều gia đình trẻ ngoài 30 tuổi như Hưng - Thương có được. “May nhờ vay được gói 30.000 tỷ đồng nên cũng đỡ”, Hưng chia sẻ.
Là người ngại vay mượn, nhưng lo thị trường BĐS hồi phục thì giá sẽ tăng, chị Đặng Thị Lan, quê Thái Bình, công tác tại một công ty thuộc lĩnh vực tài chính ở Hà Nội, đã “gõ cửa nhà băng” mua nhà ở thu nhập thấp ở khu VP5 Linh Đàm. Chị Lan tâm sự, sau nhiều năm đi thuê nhà, mình vừa làm thủ tục vay vốn một NHTM theo gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
Điểm thuận lợi là chị có việc làm ổn định tại một công ty có mức thu nhập tương đối, nên NH cũng thẩm định và giải ngân rất nhanh. Theo chị Lan, so với trước đây thì nhiều điều kiện vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở đã được phía NH nới hơn trước. Thậm chí, cán bộ NH còn không quên dặn dò nếu có khách hàng nào muốn vay hỗ trợ nhà ở như chị với lãi suất 5%/năm thì giới thiệu cho NH.
Những trường hợp vay được vốn rẻ mua nhà như vợ chồng Hưng - Thương hay chị Lan trước đây không nhiều, nhưng chỉ ít tháng gần đây, với cơ chế thông thoáng nên nhiều người đã tiếp cận nguồn vốn này để “thỏa ước bấy lâu”.
Theo NHNN, nếu như từ ngày 1/6/2013 đến ngày 31/10/2014 (sau 16 tháng áp dụng Thông tư 11/2013/TT-NHNN quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở) chỉ có 9.376 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt 7.357,7 tỷ đồng, thì sau khi ban hành Thông tư 32/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11, tốc độ cho vay, giải ngân tín dụng hỗ trợ nhà ở đã tăng liên tục, tháng sau cao hơn tháng trước.
Trước sự chỉ đạo quyết liệt từ phía NHNN, hiện nay, các NHTM đang nỗ lực đẩy mạnh cho vay hỗ trợ nhà ở. Đây cũng là thời điểm thị trường BĐS nói chung, phân khúc chung cư nói riêng đang ấm lên và ít nhiều đã tác động, đốc thúc tới người có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Tính đến ngày 28/2/2015 (sau khoảng 4 tháng triển khai Thông tư 32), số khách hàng được các ngân hàng cam kết cho vay theo gói 30.000 tỷ là 14.895 khách hàng (tăng 5.519 khách hàng), với tổng số tiền cam kết cho vay là 11.307,2 tỷ đồng, tăng khoảng 53,7% so với thời điểm 31/10/2014.
Sức ép lên nguồn cung
Số người tìm hiểu và vay tín dụng ưu đãi mua căn hộ chung cư đang tăng nhanh. Nhưng hiện nay, các dự án nhà ở xã hội hay nhà ở dành cho người thu nhập thấp phù hợp với gói tín dụng này đang khan hiếm, là thách thức không nhỏ với các NHTM đang nỗ lực đẩy mạnh cho vay sản phẩm này.
Lãnh đạo một NHTM thừa nhận, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân nên giải ngân của các NHTM không được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, một số dự án có vị trí không thuận lợi nên chưa thu hút được khách hàng, cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm giải ngân gói hỗ trợ nhà ở.
Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, hiện nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ đáp ứng đủ tiêu chuẩn được vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp.
Quanh khu vực Hà Nội, dự án nhà ở đáp ứng đủ tiêu chuẩn vay gói hỗ trợ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh cũng chưa có nhiều nhà ở xã hội như mong muốn. Chính vì vậy, để đẩy nhanh hơn tiến độ giải ngân gói tín dụng này, cần có sự phối hợp thông suốt từ Bộ Xây dựng, NHNN cũng như sự vào cuộc sâu sát với các địa phương trong việc đẩy nhanh thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoàn thiện thủ tục cho người dân thuộc diện được vay.
Phía các NHTM đề nghị Bộ Xây dựng có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc về các quy định, thủ tục liên quan đến đối tượng vay vốn, đặc biệt là đối tượng mua, cải tạo nhà ở; có biện pháp tích cực đẩy nhanh nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại với giá rẻ.
Bởi đối với các dự án nhà ở, thời gian để hoàn thiện các thủ tục pháp lý thường kéo dài nhất là khi chủ đầu tư điều chỉnh, thay đổi về thiết kế, chuyển đổi công năng. Nhiều dự án thuộc danh mục của Bộ Xây dựng được vay vốn gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, nhưng hồ sơ pháp lý của dự án không đầy đủ dẫn đến khó khăn trong việc giải ngân của ngân hàng.
Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng này, NHNN sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện của các NHTM tham gia chương trình và có văn bản chỉ đạo kịp thời, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân; xem xét khả năng mở rộng số lượng NHTM tham gia…
Ở góc độ chuyên gia, ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, trước đây các DN ngại đầu tư các dự án nhà ở xã hội do lợi nhuận thu được thấp. Kể từ khi thị trường nhà ở chung cư thương mại khó khăn và có gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng mới kích thích phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhưng vẫn không kịp so với nhu cầu.