Nhà quản lý quỹ cảnh báo thị trường chưa lường được những gì ông Trump có thể làm trước thềm bầu cử, "tiền mặt là vua"
Theo Gan Tian, thị trường vẫn chưa tính đến những "bước đi cực đoan" mà Tổng thống Donald Trump có thể tiến hành trong nỗ lực đẩy tăng tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò.
Chi nhánh ở Hồng Kông của quỹ quản lý tài sản lớn nhất Trung Quốc đang tăng cường tích lũy tiền mặt và tăng vị thế bán, đặt cược rằng cuộc chơi quyền lực Mỹ - Trung sẽ tăng tốc trước thềm bầu cử Mỹ.
Theo chia sẻ của Gan Tian, giám đốc đầu tư của China Asset Management chi nhánh Hồng Kông có quy mô gần 400 triệu USD, thị trường vẫn chưa tính đến những "bước đi cực đoan" mà Tổng thống Donald Trump có thể tiến hành trong nỗ lực đẩy tăng tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò.
"Đó có thể là thách thức Trung Quốc ở biển Đông, tăng cường liên minh quân sự hoặc ngoại giao với Đài Loan và vượt qua lằn ranh đỏ, hoặc thậm chí tệ hơn nữa", Gan trao đổi qua điện thoại với phóng viên Bloomberg. "Nếu điều đó xảy ra, thị trường tài chính sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng", ông nói.
Sau 3 năm chiến tranh thương mại, căng thẳng giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới đang gia tăng trong thời gian gần đây. Các chính trị gia ở Washington chỉ trích Trung Quốc trên nhiều vấn đề, từ đại dịch Covid-19, cách đối xử với cộng đồng người Hồi giáo thiểu số cho đến cách quản lý đặc khu Hồng Kông. Quốc hội Mỹ cũng đang hâm nóng lại chuyện trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc, đề xuất khép lại cánh cửa tiếp cận thị trường tài chính Mỹ.
Gan gần như đã thoát mọi vị thế từ tháng 2 và tháng 3, do đó tránh được đợt bán tháo tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Tuy nhiên, dù thị trường đã tăng điểm mạnh mẽ trong thời gian vừa qua và hồi phục hoàn toàn, ông vẫn "ngồi im".
"Tôi đã thoát vị thế rất nhanh, cảm nhận được 1 làn sóng thay đổi rất lớn về vĩ mô, dù mỗi cổ phiếu riêng lẻ trong danh mục của tôi đều có tình hình tài chính khá tốt", Gan – người hiện tại đang phân bổ hơn 60% tài sản vào tiền mặt – cho biết.
Gan đã nhiều lần vượt qua những cuộc khủng hoảng. Quỹ ChinaAMC China Growth Fund của ông vẫn thu về lợi suất 14,9% trong năm 2015 – năm mà bong bóng vỡ tung trên TTCK Trung Quốc. Năm nay quỹ này tăng trưởng 10% kể từ đầu năm. Và tính từ khi ra đời năm 2009, quỹ đã tăng trưởng 180,96%, vượt trội so với các chỉ số chuẩn trên cả TTCK Hồng Kông và đại lục.
Ngược lại, các quỹ đầu cơ trên toàn cầu đã sụt giảm 4,8% kể từ đầu năm đến nay dù tăng trưởng 2,5% trong tháng 5 nhờ chỉ số S&P 500 tăng mạnh.
Gan cho biết sự đối lập đã tăng lên một cấp độ nữa vào tháng trước, khi ông Trump công bố báo cáo quan trọng về chính sách ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc. "Điểm mấu chốt của bản báo cáo 16 trang đó là thừa nhận chính sách đối xử với Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua là 1 thất bại. Do đó trong tương lai căng thẳng giữa hai bên sẽ tăng lên đáng kể", Gan nói.
Tuy nhiên ông cho rằng thị trường tài chính Trung Quốc sẽ có thể thích nghi tốt với 1 cuộc khủng hoảng toàn diện. Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ quá ít tài sản (dù là cổ phiếu, trái phiếu hay bất động sản) để có thể tạo ra tác động quá mạnh nếu như họ thoái vốn.
Tính đến hết tháng 5 các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tổng cộng 595 tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc, chỉ tương đương khoảng 2,2% trên thị trường trái phiếu và 3,3% trên thị trường cổ phiếu, theo dữ liệu từ NHTW Trung Quốc.
Theo nhận định của Gan, Hồng Kông – với đồng nội tệ neo vào USD và những thay đổi trong cách đối xử của Mỹ - sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chỉ số Hang Seng sẽ giao động trong khoảng 22.000 – 24.500 điểm trước thềm bầu cử Mỹ, so với mức 25.049 điểm hiện tại.
Tuy nhiên thành phố này sẽ hưởng lợi từ những ông lớn công nghệ Trung Quốc sẽ tìm đến thị trường Hồng Kông vì lo sợ bị hủy niêm yết ở New York. Gần đây NetEase và JD.com đã nhanh chân thực hiện IPO thứ cấp ở Hồng Kông và huy động được hàng tỷ USD.
"Nếu có 1 tài sản ở Trung Quốc mà tôi thấy có triển vọng nhất trong dài hạn thì đó chính là Hang Seng Index. Đó là tương lai của Trung Quốc", Gan nói.