Nhà siêu mỏng, siêu méo “xé” bức tranh đô thị Thủ đô
Hà Nội đang phải chứng kiến nhiều ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên bên cạnh những tuyến đường mới xây do bị cắt xén khi giải phóng mặt bằng.
Đường mới - Nhà siêu mỏng, siêu méo mới
Nhắc đến nhà siêu mỏng, siêu méo có lẽ không khó để hình dung ra những căn nhà có hình thù kỳ dị. Ở Hà Nội, tình trạng này còn diễn ra phổ biến tại một số tuyến đường mới mở, mà theo quy hoạch phải giải phóng mặt bằng, đất bị cắt xén.
Theo khảo sát, hầu hết những gia đình đang sinh sống ở ven đường đều còn lại diện tích đất rất nhỏ, không đủ để có thể xây dựng lại một ngôi nhà rộng rãi như trước. Thế nhưng, do giá trị của đất đai tại khu vực tăng lên chóng mặt khi những tuyến đường mới được xây dựng khiến người dân không nỡ rời xa “tấc đất, tấc vàng”.
Thậm chí, có nhiều trường hợp chủ đất còn tranh thủ thời điểm “tranh sáng, tranh tối” khi đường đang thi công để xây dựng những căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Nó đã làm xấu đi hình ảnh mỹ quan đô thị Thủ đô và gây phản cảm đối với người dân, du khách Quốc tế. Trong khi đó, trên địa bàn Hà Nội vẫn đang còn tồn đọng rất nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo chưa được giải quyết, xử lý dứt điểm.
Anh Nguyễn Văn Nam, một người dân đang sinh sống tại đường Võ Chí Công (quận Cầu Giấy) cho biết: “Do giải phóng mặt bằng làm đường, đất của gia đình chỉ còn lại có thế nên muốn xây rộng hơn cũng không được. Có phải chúng tôi muốn xây những ngôi nhà mỏng manh, méo mó như thế này đâu, nhưng không xây thì không có chỗ ở phải đi thuê nhà…”.
Ghi nhận thực tế trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long), nhiều hộ dân do bị giải phóng mặt bằng nên đã xén phần lớn diện tích nhà, thế nhưng, họ vẫn sửa chữa lại. Thậm chí có nhiều căn nhà có hình thù kỳ dị mỏng dính mới được xây dựng.
Hay như trên tuyến phố Trần Đăng Ninh (kéo dài) cũng mới được thi công và đưa vào sử dụng không lâu, nhiều ngôi nhà méo mó khác cũng đã được hoàn thiện. Còn trên tuyến đường Võ Chí Công thì xuất hiện những căn nhà siêu mỏng, siêu méo từ khi mở tuyến đường này. Một đặc điểm chung của những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo trên là đều được xây dựng cao, nhiều tầng.
Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã có nhiều biện pháp để xử lý nhà “siêu mỏng, siêu méo”, thế nhưng vẫn chưa dứt điểm mà còn tiếp tục phát sinh. Theo số liệu thống kê, năm 2018, trên địa bàn thành phố tiếp tục phát sinh 21 trường hợp nhà đất “siêu mỏng, siêu méo”. Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm 4 trường hợp, Cầu Giấy 6 trường hợp, Tây Hồ 9 trường hợp, Thanh Trì 1 trường hợp, Hoàng Mai 1 trường hợp.
Cần giải pháp mạnh và quyết liệt
Nhiều nhà chuyên môn quy hoạch cho rằng, từ quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết đều làm theo những quy chuẩn, tiêu chuẩn nên không xảy ra tình trạng nhà ở siêu mỏng, siêu méo. Những căn nhà này chỉ xuất hiện khi có những tuyến đường hoặc những công trình mới mở mà phải thu hồi đất, nhà của dân cư hiện có, không phải xuất hiện sau công tác quy hoạch.
Đánh giá về khó khăn, các nhà chuyên môn cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây đó là quyền sở hữu cá nhân và nguồn lực kinh tế của Nhà nước. Đối với vấn đề về nguồn lực kinh tế, khi mở đường thì kinh phí chủ yếu tập trung vào ranh giới để mở đường theo chỉ giới đường đỏ, kinh phí chỉ bố trí cho việc mở làm đường, giải phóng mặt bằng và chưa bố trí được nguồn vốn để xử lý những mảnh đất có hình dạng, kích thước hình học không phù hợp hai bên tuyến đường.
Vấn đề thứ 2, sau khi đền bù giải phóng mặt bằng, phần đất còn lại vẫn thuộc quyền sở hữu cá nhân, nên thành phố đã chủ động thực hiện phương án cho khuyến khích các gia đình tự thỏa thuận với nhau trong việc ghép các thửa đất này lại.
Thế nhưng trên thực tế, việc này đến nay không mang lại kết quả như sự kỳ vọng. Nguyên nhân là bởi các gia đình bị xén đất luôn muốn giữ lại để tiếp tục mưu sinh khi ra mặt đường. Cùng với đó là việc các hộ dân khác nếu muốn hợp thửa, thì chưa chắc đã có đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề.
Theo các chuyên gia, Nhà nước cần phải xây dựng một chế tài đủ mạnh, trên cơ sở phân tích, đánh giá những khó khăn sau khi tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn vốn nếu cần phải thu hồi sẽ thực hiện ngay.
Cũng liên quan đến việc giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo ồ ạt “mọc” lên gây mất mỹ quan đô thị, mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Công văn gửi UBND các quận, huyện, thị xã về xử lý các trường hợp nhà đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng (siêu mỏng, siêu méo) khi thực hiện mở đường theo quy hoạch.
Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND các Quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội có dự án đường quy hoạch đi qua chủ động thống kê, rà soát xây dựng phương án xử lý các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng.
Thực hiện thu hồi các thửa đất ngoài chỉ giới để sử dụng vào mục đích công cộng nếu việc hợp thửa, hợp khối (sau 30 ngày) không thực hiện được theo Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 06/6/2011 và Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 11/11/2016, của Chủ tịch UBND Thành phố.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng trong việc phá dỡ toàn bộ, bộ phận kiến trúc công trình đã được đền bù, bao gồm cả phần công trình còn lại nằm ngoài chỉ giới để không phát sinh công trình siêu mỏng, siêu méo.
Mặc dù có chỉ đạo là vậy, thế nhưng theo ghi nhận của phóng viên thì tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng siêu méo vẫn đang âm thầm diễn ra. Việc này có lẽ không chỉ người dân chứng kiến, mà chính quyền địa phương cũng phải nắm bắt được.
Để ngăn chặn tình trạng xây dựng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các tuyến đường mới mở theo quy hoạch, thiết nghĩ cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Cùng với đó là việc nâng cao ý thức chấp hành của các chủ đất, tất cả vì bộ mặt trật tự đô thị Thủ đô khang trang, sạch đẹp.