Các khu đô thị mới phải tiếp nhận triết lý xanh, thông minh
"Khu đô thị xanh và thông minh vẫn là triết lý chung... Theo tôi, đó luôn là hai xu hướng chính mà chúng ta phải bảo đảm", GS. Đặng Hùng Võ nói.
Sự phát triển ồ ạt các khu đô thị mới cùng với hàng chục tên gọi khác nhau, như: Khu đô thị sinh thái, khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh… khiến người mua nhà gặp khó trong việc lựa chọn, định danh.
Trước thực trạng trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng xây dựng các khu đô thị mới hiện nay?
GS. Đặng Hùng Võ: Việc phát triển đô thị mới là xu hướng khá tốt ở Việt Nam. Bằng chứng là rất nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đã trao tặng các giải thưởng danh giá cho các khu đô thị mới của Việt Nam, tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng có, toàn thế giới cũng có. Chẳng hạn, hai khu đô thị mới được gọi là thí điểm là Phú Mỹ Hưng và Ecopark đã đạt được những danh hiệu khá tốt về phát triển xanh.
Gần đây nữa, xuất hiện những khu đô thị thông minh, với sự xuất hiện của các tập đoàn tên tuổi. Trong đó, FLC cũng đang tiếp cận xu hướng này.
Chúng ta thấy rằng, triết lý xanh vẫn tồn tại gắn liền với triết lý thông minh. Tôi cho rằng đó là hai nét chính trong phát triển các khu đô thị mới hiện nay ở Việt Nam. Và theo tôi, với đà này chúng ta còn có thể có nhiều khu đô thị mới nữa giúp thay đổi bộ mặt đô thị hóa của đất nước.
Có chuyện sau khi xây dựng được vài năm, một số khu đô thị điều chỉnh, như việc xây thêm cao ốc khiến người dân bất bình. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
Điều chỉnh quy hoạch vẫn là câu chuyện lớn của Việt Nam. Nhiều khi chúng ta đã có quy hoạch khá tốt nhưng các nhà đầu tư do thiếu nguồn vốn đã điều chỉnh lại quy hoạch. Như vậy lại phải điều chỉnh và lệch so với quy hoạch đầu tiên.
Xu hướng này cũng xuất phát từ việc nhiều nhà đầu tư muốn có nhiều không gian ở hơn để bán, do đó phải điều chỉnh thu hẹp không gian công cộng. Như ở Hà Nội, khu HH Linh Đàm là điển hình của việc điều chỉnh quy hoạch, nó đã lệch rất nhiều so với quy hoạch ban đầu.
Đây là tình trạng mà tôi cho rằng cần phải chấn chỉnh, cần phải đưa ra một cách thức thực hiện chuẩn xác để sao cho trong quá trình phát triển vẫn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn xây dựng. Chúng ta phải bám theo các tiêu chuẩn đó, nếu không một thời gian lại phải đập bỏ cái này, xây dựng lại cái kia thì đó là một biểu hiện tiêu cực trong quá trình phát triển.
Vậy theo ông phải làm thế nào để việc điều chỉnh quy hoạch nhận được sự đồng thuận và hài hòa lợi ích của chủ đầu tư và người dân?
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, kể cả quy hoạch lần đầu hay điều chỉnh quy hoạch đều phải lấy ý kiến của người dân. Đồng thời phải giải quyết tận gốc những ý kiến không đồng thuận của người dân để sao khi chúng ta phát triển phải nhận được sự đồng thuận cao nhất của cả chính quyền, người dân và chủ đầu tư.
Về nguyên tắc là như vậy nhưng trong quá trình triển khai trên thực tế chúng ta thường bớt công đoạn, nhất là công đoạn lấy ý kiến của người dân, đôi khi chỉ lấy ý kiến của chính quyền địa phương và coi như đó là ý kiến của người dân, hoặc tổ chức lấy ý kiến không công khai tức là không được ý kiến của đại đa số người dân cũng như có thể lấy được ý kiến rồi nhưng không chắt lọc lại cái gì cần tiếp thu, cái gì cần giải thích cho người dân.
Tôi cho rằng khi người dân đủ thông tin thì họ sẽ đồng thuận. Đó cũng chính là cái yếu trong thực thi của chúng ta hiện nay.
Theo ông xu hướng phát triển mới nào sẽ được các chủ đầu tư áp dụng trong tương lai?
Tôi cho rằng có hai việc trong tương lai chúng ta cần làm. Một là phát triển các khu đô thị mới. Chúng ta cần có một triết lý phát triển đô thị mới ở Việt Nam, lựa chọn giữa theo triết lý mạng lưới đô thị hay là theo triết lý một đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Hiện nay, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều đang đi theo triết lý là một đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh nhưng cũng có nhiều nước họ lại đi theo triết lý mạng lưới nhiều đô thị nhỏ và vừa.
Tất nhiên, những đô thị đang tồn tại thì vẫn tiếp tục phát triển nhưng phần phát triển tiếp theo nên theo mô hình mạng lưới đô thị nhỏ và vừa đan xen với vùng nông thôn. Như vậy, nó vực cả nền kinh tế tốt hơn.
Tôi cho rằng chúng ta nên đưa ra một triết lý để dẫn đường cho quy hoạch, rồi từ dẫn đường cho quy hoạch chúng ta triển khai tốt. Đấy là việc mà theo tôi chúng ta cần quan tâm trong phát triển các khu đô thị trong thời gian tới.
Hiện các chủ đầu tư không những phát triển các khu đô thị xanh, khu đô thị thông minh mà còn các khu đô thị sinh thái, khu đô thị thể thao,… Theo ông, nên chọn mô hình nào cho tương lai?
Tất nhiên khu đô thị mà xanh và thông minh vẫn là triết lý chung, là nguyên tắc trên thế giới không được rời bỏ. Xanh là cái cốt lõi lâu nay chúng ta vẫn đang vận hành; thông minh là khái niệm mới, là khu đô thị mà dịch vụ được tổ chức rất tốt trên cơ sở các mạng lưới điện tử giúp chúng ta tạo ra được một hệ thống dịch vụ rẻ tiền nhưng người dân được thỏa mãn cao nhất.
Theo tôi, đó luôn là hai xu hướng chính mà chúng ta phải bảo đảm. Các khu đô thị mới đương nhiên là phải tiếp nhận triết lý xanh và triết lý thông minh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng ta cũng phải phân ra một số khu đô thị đặc thù, ví dụ khu đô thị thiên về thể thao, khu đô thị thiên về nghỉ dưỡng và mọi người có thể sở hữu căn nhà thứ hai tại các khu đô thị nghỉ dưỡng. Hay các khu đô thị mà có thể gắn với các nghề nhất định như khu đô thị chuyên về tài chính, chuyên về khoa học,…
Tất cả những cái đó chúng ta cũng có thể tìm cách để phát triển các khu đô thị đặc thù mà hiện nay chúng ta đã hình thành ở một số nơi.
Ngoài ra, cũng có thể phát triển những khu đô thị cho người thu nhập thấp. Đó cũng là một điểm nhấn. Cần phải suy tính trong tương lai là chúng ta có nên tổ chức những khu đô thị riêng cho giới trẻ - những người có thu nhập chưa đủ để với tới những khu đô thị hiện đại. Theo tôi, chúng ta có thể phát triển theo hướng này để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, như vậy rất thuận tiện.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!