Nhà thầu nội phải bứt phá để tăng sức cạnh tranh
Nhà thầu Việt Nam hiện nay có thể tự hào vì đủ năng lực thi công nhiều công trình đòi hỏi trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ cao, sánh tầm quốc tế. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) để làm rõ hơn nội dung này.
PV: Hiện các nhà thầu Việt Nam đã có đủ năng lực thi công nhiều công trình đòi hỏi trình độ quản lý và áp dụng khoa học công nghệ cao, sánh tầm quốc tế. Ông có thể chia sẻ về những bứt phá của các nhà thầu nội?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp: Cách đây 20 năm, thường trực trong quan niệm của ngay cả những người làm nghề, các nhà thầu xây dựng Việt Nam chủ yếu là cung cấp nhân công. Nhưng những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã có bước trưởng thành vượt bậc.
Dễ dàng nhận thấy bộ mặt các đô thị cũng như nền kinh tế có sự đóng góp lớn của các doanh nghiệp xây dựng; đặc biệt là xây dựng dân dụng đã đạt được trình độ khu vực. Chúng ta không chỉ phát triển về tốc độ và doanh thu mà có sự thay da đổi thịt từ trong lòng công trình.
Cùng đó, các lĩnh vực xây dựng công nghiệp, thủy lợi, giao thông, doanh nghiệp nội vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, khẳng định vị thế trong công cuộc phát triển hạ tầng, thủy lợi cùng với hạ tầng của đất nước.
Sắp tới, Việt Nam có nhiều công trình hạ tầng mang tầm cỡ quốc tế. Điển hình như việc tỉnh Quảng Ninh dự kiến làm đường hầm qua biển, dưới cầu bãi cháy để thông hai bờ. Hiện VACC cũng đang muốn chắp nối để nhà thầu Việt Nam sát cánh cùng nhà thầu quốc tế thực hiện dự án.
Mặc dù vậy, những công ty xây dựng hàng đầu Việt Nam cũng vẫn còn “non” so với các Tập đoàn mạnh của nước ngoài. Thế nhưng họ đã có sự thay đổi căn bản khi vận dụng được đúng đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ là phát triển kinh tế nhiều thành phần. Có thể nói, tư tưởng thị trường hóa đã tạo ra sức cạnh tranh rất mãnh liệt để các doanh nghiệp vươn lên khẳng định mình.
Chính vì thế mới hình thành một lực lượng doanh nghiệp tư nhân, cổ phần trong lĩnh vực xây dựng và ngày càng phát triển lớn mạnh, nhanh chóng nhờ bám vào nguyên tắc cạnh tranh của thị trường. Họ tự hiểu, nếu bản thân không vươn lên, không tạo được sức mạnh nhất định từ khâu tổ chức, kỹ thuật, quản lý… thì sẽ không tồn tại được.
Điều này góp phần khẳng định, phần lớn các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam hiện nay đều bật lên nhờ cơ chế thị trường.
Cùng với việc thị trường hóa ngành xây dựng là việc thị trường có sự cơ cấu lại. Các công ty cổ phần đã dần chiếm lĩnh và trở thành đơn vị chủ công trên thị trường. Có một thực tế là các doanh nghiệp nhà nước độc chiếm thị trường trước kia thì giờ đang gặp không ít khó khăn do phải vật lộn với việc cổ phần hóa, tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng; trong khi đó, các công ty tư nhân lại đang lớn nhanh vùn vụt.
Trước kia, nói đến doanh nghiệp xây dựng có doanh thu khoảng 10 nghìn tỷ đồng đã thấy là rất lớn. Số này thường rơi vào các doanh nghiệp nhà nước lớn như Sông Đà, Vinaconex… Còn đến thời điểm này, công ty tư nhân như Coteccons, doanh thu thực đã đạt khoảng 27 nghìn tỷ đồng – tương đương hơn 1 tỷ USD.
Đây là doanh số có thể so sánh với các công ty mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều này chứng tỏ nhà thầu Việt đã bước chân vào nhóm đạt cấp tỷ đô chứ không dừng ở con số triệu đô.
Cơ chế thị trường đã tạo sức bật cho các nhà thầu nội và đó là thử thách mà các nhà thầu Việt đã chinh phục thành công. Vậy, theo ông, còn những yếu tố then chốt nào cần phải lưu tâm để đưa doanh nghiệp xây dựng Việt Nam tiến xa hơn nữa?
Một trong những yếu tố phát triển ngành xây dựng không thể bỏ qua chính là khâu đào tạo. Trong khi ngành xây dựng phát triển với doanh thu, tầm vóc công trình, kỹ thuật… vượt lên tầm cao mới nhưng đối lập lại là công việc đào tạo lực lượng bao gồm cả công nhân kỹ thuật lẫn cán bộ lại đang gặp khó khăn. Điều này thể hiện từ định hướng đến cách làm và cần phải giải quyết sớm.
Trước kia là cơ chế bao cấp nên các trường đào tạo đều do nhà nước đứng ra xây dựng và cung cấp nhân công cho lĩnh vực này. Hiện nay chuyển sang cơ chế thị trường hóa, các doanh nghiệp cổ phần hóa nhiều nên các trường đào tạo mô hình cũ không còn tồn tại.
Trong khi đó, doanh nghiệp càng phát triển mạnh thì càng cần lao động có tay nghề mà nguồn cung cấp thì không có. Họ phải tự đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đứng trước vấn đề này, VACC mong muốn các đơn vị kết hợp với nhau, điều phối nhân lực hợp lý để kết hợp và phát huy hiệu quả.
Thêm nữa, theo phản ánh của các doanh nghiệp, Luật Xây dựng hiện đang tồn tại bất cập cần tháo gỡ mà nổi lên là vấn đề bảo lãnh. Nội dung đưa vào Luật chỉ yêu cầu phía nhà thầu phải có bảo lãnh đối với chủ đầu tư từ bảo lãnh đấu thầu, tạm ứng, thực hiện hợp đồng cho đến bảo hành.
Cả 4 loại bảo lãnh này đều do nhà thầu phải thực hiện với chủ đầu tư chứ chưa có các khoản bảo lãnh nào ngược lại, rằng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư với nhà thầu.
Có thể xuất phát từ xa xưa, hầu hết các chủ đầu tư đều là nhà nước, sử dụng vốn công. Mà đã là nhà nước thì không bao giờ cần phải bảo lãnh cho ai cả mà chỉ có doanh nghiệp - tức là các nhà thầu phải bảo lãnh ngược lại. Thực tế này đã không còn phù hợp bởi cùng với sự phát triển của đất nước, giờ nhiều công trình tư nhân là chủ đầu tư.
Khi đó xảy ra câu chuyện, nhà thầu cần được thanh toán và thanh toán đúng tiến độ thì lại không được ai bảo lãnh. Vì vậy, VACC cũng đã đề xuất với Bộ Xây dựng, kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần thực hiện việc bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư đối với nhà thầu.
Có như vậy mới đảm bảo công bằng cho nhà thầu, tránh tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản đang rất lớn. Nếu giải quyết được vấn đề sẽ giúp nhà thầu xây dựng Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.
Dấu ấn của các nhà thầu Việt Nam đã được ghi nhận tuy nhiên vẫn chưa có một chứng chỉ chính thức cấp quốc gia về năng lực nhà thầu, điều mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện. Được biết, VACC đang nỗ lực tạo dựng một cuộc thi để vinh danh nhà thầu xây dựng uy tín của Việt Nam, ông có thể chia sẻ về thông tin này?
Trong bối cảnh xây dựng Việt Nam vẫn còn nhiều điểm chưa thật rõ ràng thì việc khẳng định vị trí, vai trò của nhà thầu trên thị trường rất quan trọng. Vinh danh nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam là việc nên làm và đáng lẽ phải làm từ lâu.
Và hiện nay là thời điểm chín muồi để thực hiện mong ước đó của các doanh nghiệp, nhất là khi rất nhiều công ty, công trình đạt trình độ khu vực và quốc tế. Đây cũng chính là bước mở đầu cho việc sắp xếp đánh giá năng lực nhà thầu.
Cuộc vinh danh nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam này cần thiết vì nó chính là chứng chỉ xác nhận doanh nghiệp có đủ uy tín nghề nghiệp hay không. VACC cũng sẽ đề nghị trong hồ sơ xét thầu chứng chỉ này cần được xem xét. Tuy nhiên, ưu tiên như thế nào thì còn phụ thuộc vào cơ quan soạn thảo.
Với các dự án sử dụng nguồn vốn ngoài xã hội thì không bắt buộc qua đấu thầu mà là chọn thầu. Các chủ đầu tư tư nhân có quyền chọn thầu theo tiêu chí của mình. Thông thường hiện nay các chủ đầu tư này chọn thầu dựa trên uy tín của nhà thầu, ví dụ họ biết năng lực và tìm đến một số đơn vị lớn như Coteccons, Hòa Bình, Delta… Họ cảm thấy các đơn vị này đã hợp tác và có hiệu quả nên chỉ cần ngồi thương lượng với nhau. Đấy gọi là hình thức chọn thầu và nhà thầu uy tín được xác lập qua niềm tin của chủ đầu tư.
Thế nhưng, trường hợp thứ 2 là vốn ngân sách và vốn ODA thì bắt buộc phải qua đấu thầu. Vậy thì nên chăng, các cơ quan quản lý ngoài việc áp các tiêu chí bắt buộc cần xem xét thêm việc chấp thuận những nhà thầu uy tín mới được tham gia dự thầu ở những công trình quy mô.
Tuy nhiên, những điều này vẫn là ý tưởng và mong muốn được thể hiện tại dự thảo chứ chưa khẳng định các cơ quan quản lý nhà nước có chấp nhận hay không. Một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Bộ Tài nguyên Đất đai và Giao thông của họ đều là cơ quan được nhà nước giao cấp chứng chỉ của năng lực nhà thầu.
Thế nhưng Bộ này không xét cấp trực tiếp mà thông qua kết quả từ các hiệp hội ngành nghề chấm, xét, thẩm định để chọn và giới thiệu lên. Hiệp hội nghề cũng phải gắn trách nhiệm đến cùng để tránh trường hợp “vàng thau lẫn lộn” và uy tín nhà thầu phải được đảm bảo từ các bên thẩm định.
Hiện VACC đang khởi động chương trình Vinh danh nhà thầu xây dựng uy tín Việt Nam và dự kiến công bố kết quả vào cuối năm 2019. Sự kiện này kỳ vọng sẽ khuyến khích được tất cả các nhà thầu từ lớn đến nhỏ tham gia với mong muốn thay đổi tốt hơn để đứng vào danh sách này, được xã hội ghi nhận, tìm đến và chọn lựa.
Xin cảm ơn ông !