Nhận diện nguy cơ và thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của ngành Than
Mặc dù đã nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho công nhân lao động, nhưng với sự giảm sút về giá bán và thị trường tiêu thụ thời gian gần đây, kết quả sản xuất kinh doanh của ngành Than đang sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do thị trường diễn biến theo hướng bất lợi, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, giá thành trong nước cao hơn giá nhập khẩu. Thực tế này đòi hỏi ngành Than cần có những giải pháp đồng bộ để khắc phục khó khăn, để phát triển bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Những khó khăn, thách thức của ngành Than hiện nay
Ngành Than là một ngành kinh tế chủ lực quan trọng của nước ta, bảo đảm nhiên liệu cho sản xuất công nghiệp quan trọng như sản xuất điện, thép, xi măng, phân bón…; thu hút lượng lớn lao động và đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho đất nước. Tuy nhiên, hiện nay ngành Than đang lâm vào tình trạng rất khó khăn, kết quả sản xuất kinh doanh thời gian gần đây bị sụt giảm lớn. Nguyên nhân lớn nhất là do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế, nhu cầu tiêu thụ chậm lại, lại thêm giá than của các nước giảm mạnh, nên lượng than nhập khẩu về Việt Nam tăng.
Trải qua quá trình khai thác lâu dài, việc khai thác than đang càng ngày càng khó khăn, bởi điều kiện sản xuất của các mỏ hiện nay đã xuống sâu -300m so với mặt nước biển và tỷ lệ than lộ thiên so với than hầm lò chiếm 50-60%. Các mỏ than lộ thiên, hệ số bóc đất đá và cung độ tăng nhanh, phức tạp, cần phải có sự đầu tư lớn về cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Bên cạnh đó, mặc dù năng suất lao động chung đã được cải thiện nhiều, song thực tế vẫn còn ở mức thấp so với một số nước trong khu vực. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên của ngành Than còn thiếu và yếu. Lực lượng lao động trực tiếp (thợ lò), chưa được đào tạo một cách toàn diện về kỹ năng và lòng yêu nghề, cùng với đó môi trường lao động nghề mỏ nặng nhọc độc hại, các chính sách đãi ngộ chưa tương xứng... dẫn đến thợ lò bỏ việc ngày càng nhiều.
Công tác quy hoạch ngành Than thành một hệ thống “kinh doanh mỏ” tuy đã được đẩy mạnh, từ khâu mở mỏ, trình tự khai thác, đổ thải, cơ sở hạ tầng, môi trường, chế biến cho đến tiêu thụ… song chưa tính toán đầy đủ đến các yếu tố khu vực dân cư xung quanh, sự tác động của biến đổi khí hậu cực đoan, do đó đã dẫn đến các nguy cơ rủi ro cao do sự chồng lấn, sạt lở, trôi lấp… gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Ngoài ra, hệ thống pháp lý còn thiếu đồng bộ giữa quy hoạch phát triển năng lượng của Nhà nước với các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương; các chính sách quản lý thay đổi, biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của ngành Than.
Giải pháp “xã hội hóa” trong lĩnh vực đầu tư mỏ được đánh giá là một giải pháp đúng nếu thực hiện theo mô hình “đối tác công - tư”, tuy nhiên trên thực tế trong thời gian qua giải pháp này chủ yếu được thực hiện theo hướng “tư nhân hóa”. Điều này có nguy cơ dẫn đến thiệt hại từ phân chia lợi ích của dự án, dịch vụ giữa tư nhân (dòng tiền dương) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV (dòng tiền âm), và triệt tiêu các lợi ích không tính được bằng tiền của dự án (như việc làm, lợi ích môi trường, cộng đồng).
Nhìn chung những biến đổi bất lợi từ thị trường đã làm cho ngành Than đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hiện nay, thuế xuất khẩu than của nhiều nước là %, thuế nhập khẩu than vào Việt Nam là 0%, than các nước bán vào Việt Nam tăng nhanh đã gây sức ép lên thị trường tiêu thụ than trong nước. Theo báo cáo của TKV, năm 2016 sản lượng than trong nước sản xuất và tiêu thụ đang có xu hướng giảm. Riêng 7 tháng đầu năm 2016, TKV chỉ sản xuất được 22,06 triệu tấn than nguyên khai, bằng 93%, tiêu thụ được 20,25 triệu tấn than sạch, bằng 97%.
Một trong những nguyên nhân khác cũng góp phần làm cho ngành Than khó khăn lại chồng chất khó khăn, khi sự đầu tư của TKV vào các công ty con, các công ty liên kết trong vài năm gần đây một cách dàn trải không hiệu quả, gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng.
Giải pháp giúp ngành Than vượt khó, phát triển bền vững
Để có thể hóa giải những nguy cơ, vượt qua thử thách và phát triển bền vững trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành Than cần tập trung giải quyết các vấn đề căn bản sau:
- Nhà nước cần có những chính sách điều chỉnh thuế, phí tương đương với các nước trong khu vực để cạnh tranh giữ vững thị trường và năng lực sản xuất cũng như để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nộp ngân sách, lợi nhuận để đầu tư phát triển ngành Than. Đặc biệt, đối với việc xuất khẩu than chất lượng cao, hiện đã xác định được các chủng loại than trong nước chưa dùng hết, Nhà nước cần xem xét quyết định sớm việc cho xuất khẩu để ngành Than chủ động điều hành sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, phát huy hiệu quả hợp đồng xuất khẩu than dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp ngành than vay vốn ưu đãi, có nguồn lực tái đầu tư phát triển mỏ.
Chính phủ và các bộ, ban, ngành điều hành cung cầu của thị trường than Việt Nam, ưu tiên sử dụng than do trong nước sản xuất; đồng thời, sớm phê duyệt tái cơ cấu ngành Than giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như đưa ra cơ chế, chính sách để ngành Than có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.
- Quản trị tài nguyên như một nguồn vốn gắn liền với chiến lược đầu tư phát triển kinh doanh bền vững; Nâng cao năng lực thực tiễn về khảo sát, thăm dò địa chất đối với các vỉa than, khoáng sản rắn sâu (từ -300m trở xuống) đối với các vùng Quảng Ninh, đồng bằng Sông Hồng; Nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng thực tiễn các phương pháp phân tích số liệu địa chất bằng mô hình hóa, tối ưu hóa với độ tin cậy cao và lập báo cáo đánh giá trữ lượng, chất lượng than, khoáng sản đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế; Nghiên cứu thử nghiệm “khoán” trữ lượng tài nguyên khoáng sản trong hệ thống quản trị doanh nghiệp mỏ để nâng cao hiệu quả quá trình quản trị, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên than và khoáng sản.
- Phát triển nguồn nhân lực của ngành Than dựa trên cơ sở triết lý kinh doanh của mô hình quản trị hiện đại, đó là vừa tạo ra lợi nhuận, vừa phát triển đội ngũ giai cấp công nhân mỏ trung thành, lao động sáng tạo và có cơ hội thăng tiến.
- Tập trung tái cơ cấu phương thức quản lý kinh doanh của doanh nghiệp ngành Than theo nguyên tắc tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp chủ động sản xuất và kinh doanh, là cơ sở để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục hoàn thiện giải pháp “xã hội hóa” theo mô hình hợp tác công – tư, tạo ra một thị trường huy động vốn tư nhân hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế khoán, quản trị chi phí dựa trên cơ sở các hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật tiên tiến, kết hợp với các phương pháp phân tích cơ cấu giá thành phù hợp với các điều kiện địa chất, khai thác khác nhau.
- Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030.
- Duy trì và phát triển các mối quan hệ với các đối tác nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Úc… không chỉ là tạo ra thị trường thương mại, mà còn là thị trường chuyển giao công nghệ và tri thức tiên tiến, hiện đại trên phạm vi toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giải đoạn 2016-2020;
2. Đặng Thanh Hải (2015), Nhận diện những nguy cơ, thách thức tác động đến sự phát triển bền vững của Tập đoàn giai đoạn 2015, Tập đoàn TKV;
3. Cùng ngành Than vượt khó, http://www.vinacomin.vn/tin-tuc-vinacomin/cung-nganh-than-vuot-kho-201608221539145307.htm.