Nhận diện những bất động sản thuộc diện “luồng xanh”
Thị trường bất động sản (BĐS) đang đứng trước bài toán phải chấp nhận sống chung cùng COVID-19. Do đó, nhận diện đâu là sản phẩm BĐS “luồng xanh” và thị trường “luồng xanh” để đầu tư là vấn đề đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Phía Bắc - điểm sáng cho thị trường bất động sản cuối năm
Với sự xuất hiện của vắc xin COVID-19, giới phân tích đã bắt đầu đưa ra những nhận định tích cực hơn về bức tranh tài chính - kinh tế trong thời gian tới và kỳ vọng vào những tín hiệu phục hồi trong năm 2022, khi đủ số phần trăm dân số toàn cầu được tiêm vắc xin tạo miễn dịch cộng đồng.
Việt Nam cũng không nằm ngoài những diễn biến chung của thế giới, trong đó bất động sản cũng gặp khó khăn. Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, xu hướng cắt lỗ, hạ giá bất động sản là điều tất yếu khi dịch COVID-19 tác động đến thị trường hơn 1 năm nay. Đáng chú ý, một số nơi thậm chí rơi vào tình trạng “đóng băng”.
Tuy nhiên, so với thị trường phía Nam, nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là tại Vùng Thủ đô, thị trường bất động sản vẫn ghi nhận những dấu hiệu lạc quan. Vùng Thủ đô bao gồm những tỉnh nằm trong bán kính 100km từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hoà Bình…
Sở dĩ những thị trường này duy trì được nhịp độ phát triển bất động sản do ít chịu tác động của dịch bệnh, là những nơi kiểm soát ổn định dịch bệnh và đặc biệt có quỹ đất lớn với tiềm năng tăng giá cao, nơi thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào các khu công nghiệp.
Cụ thể, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay những tín hiệu lạc quan được nhìn thấy ở phân khúc bất động sản thấp tầng. Đây là dòng sản phẩm có tỷ lệ hấp thụ tốt nhất ở mức 47,3%, tính trong 6 tháng đầu năm 2021. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có tâm lý an tâm khi đầu tư vào loại hình này, và đây cũng là phân khúc gia tăng lợi nhuận ổn định mà họ đã trực tiếp trải nghiệm và kiểm chứng trong quá trình đầu tư.
Một số vẫn tiếp tục ghi nhận gia tăng số lượng giao dịch cũng như mức độ quan tâm của nhà đầu tư có thể kể đến trong thời gian qua là Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang… Riêng tại Bắc Giang, sau một thời gian ngắn làm giảm sút sự chú ý của thị trường do dịch bệnh, thì tới tháng 7/2021, mức độ quan tâm của giới đầu tư lại quay trở lại quỹ đạo, tăng hơn tăng 22% so với tháng 6. Điều đó cho thấy độ hấp dẫn của vùng đất tiềm năng này đối với thị trường vẫn rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay: “Trong danh sách 5 tỉnh vùng trung du tôi đang quan tâm gồm Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong đó, tôi đánh giá Bắc Giang thu hút được lượng quan tâm của các nhà đầu tư lớn hơn các địa phương còn lại. Quy hoạch, hạ tầng đã tạo ra lợi thế bền vững cho Bắc Giang. Đầu tư vào hạ tầng càng mạnh thì giá bất động sản chắc chắn sẽ càng tăng.
Là một địa phương năng động, có sự tính toán đầu tư tận dụng các thế mạnh để tạo ra giá trị, Bắc Giang có nhiều điểm cộng để thu hút đầu tư và thực tế là các nhà đầu tư đã quan tâm nhiều đến thị trường này.
Những xu hướng đầu tư theo “luồng xanh"
Tại một toạ đàm mới đây, nhận định về xu hướng bất động sản từ nay đến cuối năm 2021, ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Hải Phát cho rằng, cần phải nhìn trước đó vào thời điểm năm 2019, nhà đầu tư cá nhân tập trung vào 2 xu hướng chính là dự án đô thị lớn và dự án nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, từ năm 2020, đại dịch COVID-19 diễn ra, nhận thấy xu hướng phát triển bất động sản công nghiệp lên ngôi.
Theo ông Duy, Chính Phủ có quyết sách cụ thể tăng mức đầu tư công cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Điều này đã hình thành nên 2 xu hướng bất động sản: Xu hướng bất động sản ven khu công nghiệp và đầu tư bất động sản theo các công trình lớn.
Song căn cứ tình hình thực tế, ông Duy cho rằng, với 4 xu hướng trên, nhà đầu tư cần cân nhắc thêm một số thị trường trọng điểm trên toàn quốc. Cụ thể, với bất động sản nghỉ dưỡng, trong bối cảnh hiện nay, từ 1 đến 1,5 năm khi kiểm soát được dịch COVID-19 thì mới có cơ hội phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đây là thời điểm nếu nhà đầu tư có tiềm lực tài chính ổn định trong vòng 3 - 5 năm “săn” được bất động sản nghỉ dưỡng ở giá hợp lý.
Do đó, Quảng Ninh, Bình Thuận là 2 thị trường tiềm năng đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thị trường Quảng Ninh đã phát triển tốt về nghỉ dưỡng 3 - 4 năm vừa rồi. Trong khi đó, Bình Thuận sẽ là một điểm sáng thị trường nghỉ dưỡng trong giai đoạn tới.
Về xu hướng phát triển bất động sản đại đô thị, các đại đô thị Việt Nam do các chủ đầu tư lớn phát triển có quy mô từ 200 đến 1.000ha. Những đơn vị phát triển đều có tiềm lực tài chính vững mạnh. Nhà đầu tư nên lưu tâm những dự án gần khu dân cư. Các tỉnh phía Đông Hà Nội và TP.HCM như Hưng Yên, Đồng Nai là 2 điểm sáng lớn phát triển đại đô thị.
Xu hướng thứ 3 - phát triển khu công nghiệp, về phía Bắc có thị trường Hải Phòng, sau đó phải nhắc đến Bắc Ninh. Tuy nhiên, Bắc Ninh quỹ đất không còn nhiều nên Bắc Giang nổi lên là điểm sáng cụ thể khi phát triển khu công nghiệp bởi không nhiều nơi phía Bắc có quỹ đất phát triển đồng bộ như Bắc Giang.
Về phía khu vực miền Trung cũng là một điểm sáng khi quỹ đất miền Bắc và miền Nam hạn hẹp dần. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần cân nhắc một số thị trường mới nổi như Nghệ An, Hà Tĩnh.
Quay về thị trường phía Nam, thủ phủ khu công nghiệp hiện nay là Bình Dương. Tuy nhiên, Bình Dương cũng giống Bắc Ninh nhưng có quy mô hơn rất nhiều. Thị trường bất động sản ở Bình Dương cực kỳ phát triển. Thế nên, khi làn sóng mới về phát triển bất động sản khu công nghiệp nổi lên thì nhu cầu mở rộng mới cao. Do đó, Bình Phước, Tây Ninh sẽ là khu vực thay thế cho quỹ đất phát triển khu công nghiệp trong tương lai.
Cuối cùng, thị trường bất động sản phát triển theo hạ tầng lớn, ông Duy cho hay: “Việc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành được phê duyệt để triển khai là 2 trục hạ tầng lớn của Việt Nam. Tôi cho rằng, thị trường Đồng Nai sẽ thu hút đặc biệt về vấn đề liên quan hạ tầng”.