Nhận diện những thách thức phát triển ngân hàng số

PV.

Ngân hàng số là xu hướng chủ đạo hiện nay khi giúp các tổ chức tín dụng đa dạng và tối ưu các dịch vụ, giảm chi phí, tăng khả năng kiểm soát và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, ngân hàng số vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo “Báo cáo về Dịch vụ Ngân hàng: Hành vi sử dụng của người dùng và Xu hướng tại Việt Nam” khảo sát bởi IDG Vietnam năm 2017 công bố cho thấy, các giải pháp về ngân hàng điện tử (e-banking) đang ngày càng được sử dụng phổ biến và được đánh giá cao về tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian với 81% người dùng sử dụng các giải pháp e-banking so với 21% theo khảo sát năm 2015. 

Những ngân hàng thương mại lớn đã nhanh chóng phát triển những dịch vụ mới, như Techcombank, VIB cho phép khách hàng chuyển tiền qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...), rút tiền tại ATM không cần dùng thẻ. VPBank đã ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu của IBM để đồng bộ hóa dữ liệu khách hàng, hỗ trợ phân tích hành vi khách hàng nhanh chóng.

Theo các số liệu thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện đứng trong top 20 quốc gia có dân số sử dụng internet nhiều nhất tại châu Á; trong đó 62% người dùng internet mua sắm online....

Những con số trên phần nào cho thấy, hệ thống ngân hàng Việt đang đứng trước những cơ hội, tiềm năng để phát triển dịch vụ ngân hàng số. Đó là: sự liên tục gia tăng dòng vốn đầu tư cho công nghệ vào ngân hàng, tác động tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng số hóa toàn cầu, thị trường Việt Nam với quy mô dân số lớn, tỷ lệ người sử dụng điện thoại và internet cao… 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội này, cũng có nhiều thách thức đối với hệ thống tài chính ngân hàng trong ứng dụng phát triển các dịch vụ ngân hàng số...

Thách thức lớn nhất được chính các ngân hàng nhận định là hệ thống bảo mật, an ninh mạng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng và tránh rủi ro cho các ngân hàng. Từ năm 2014 đến nay, các cuộc tấn công mạng nhằm vào mọi tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp tài khoản của khách hàng đột ngột bị “bốc hơi” trong khi họ không hề giao dịch.

Thách thức thứ hai đối với các ngân hàng theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực là tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp. Ngoài nghiệp vụ ngân hàng, đội ngũ nhân lực cần phải nắm bắt về công nghệ, hiểu biết về khách hàng…

Mặt khác, theo các chuyên gia, thách thức nữa trong phát triển ngân hàng số là nhiều quy định pháp luật hiện hành còn bất cập. Theo đó, vẫn còn trở ngại về mặt quy định, pháp lý, thủ tục giấy tờ trong hệ thống các văn bản hiện hành, khiến thanh toán số chưa thể mở rộng nhanh và dễ dàng tới nhóm khách hàng trẻ ưa tiện lợi, không thích quy trình, thủ tục gò bó, rườm rà cũng như tới những người dân chưa có tài khoản ngân hàng, ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Để hệ thống ngân hàng vượt qua các rào cản, thách thức phát triển ngân hàng số, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần gia tăng biện pháp phòng hộ để tăng năng lực kiểm soát rủi ro đối với công nghệ thông tin đặc biệt là an ninh mạng; Tăng sự hiểu biết của khách hàng, người dân và doanh nghiệp, bản thân cán bộ ngân hàng để cùng nhau kiểm soát rủi ro tốt hơn; sớm tạo hành lang pháp lý để hướng dẫn định chế tài chính kiểm soát rủi ro tốt hơn.

Trong khi đó, từ thực tiễn triển khai phát triển các dịch vụ ngân hàng số, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên HSBC cho rằng, để có thể đáp ứng xu hướng ngân hàng số, cơ quan quản lý Nhà nước phải giúp cho sự kết nối của hệ thống tổ chức tín dụng với trung tâm dữ liệu thông tin cá nhân và Trung tâm Thông tin tín dụng Việt Nam (CIC). Thực tế khi HSBC tiến hành cấp thẻ tín dụng nhiều năm tại Trung Quốc thì với sự kết nối trung tâm dữ liệu được đồng bộ đã giúp khách hàng trải nghiệm tốt hơn.