Ngành ngân hàng thích ứng như thế nào với cách mạng công nghiệp 4.0?
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang có tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề và ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.
Vai trò, ứng dụng công nghệ nền tảng của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong phát triển thị trường tài chính - ngân hàng; hay những định hướng cho sự phát triển của ngành ngân hàng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... là những vấn đề mà ông Phạm Tiến Dũng Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) đã trao đổi cùng phóng viên.
Phóng viên: Thưa ông, ngành ngân hàng đã chủ động thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào và một số kết quả mà ngành ngân hàng đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước. |
Để thực hiện cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; trong đó, tập trung vào hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; tăng cường truyền thông và nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành ngân hàng.
Đặc biệt, một vấn đề rất quan trọng mà ngành ngân hàng chú trọng là khâu đào tạo nguồn nhân lực để có thể thích ứng được yêu cầu rất cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhờ đó, mà thời gian qua, ngành ngân hàng đã đạt được đã đạt được một số kết quả như với Ngân hàng Nhà nước hạ tầng thanh toán quốc gia đã đảm bảo việc cung cấp thông suốt an toàn liên tục với khối lượng thanh toán rất lớn cho toàn bộ hệ thống quốc gia.
Các ngân hàng thương mại như Ngân hàng TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank, VPbank với ứng dụng ngân hàng số Timo, Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab, Vietinbank với Corebank thế hệ mới-hiệu suất cao, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội;
Ngân hàng OCB triển khai chiến lược chuyển đổi ngân hàng số, đưa ra mô hình ngân hàng đa kênh đồng nhất, Techcombank với ứng dụng tư vấn tài chính tự động TCWealth, có thể tư vấn, cung ứng dịch vụ tài chính phù hợp với nhu cầu riêng biệt của từng khách hàng...
Hiện nay người dùng mobile có thể sử dụng nhiều dịch vụ như thanh toán chuyển tiền cá nhân, hay nhiều dịch vụ khác.
Vậy ngành ngân hàng đang gặp phải những khó khăn nào trong quá trình tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và định hướng trong thời gian tới là gì?
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đó là yêu cầu đối với cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động ngân hàng thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; với các tổ chức ngân hàng - tài chính.
Cùng với đó là yêu cầu phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình quản trị điều hành, mô hình kinh doanh, cấu trúc lại sản phẩm, dịch vụ thích ứng với xu hướng khách hàng thế hệ số, nền kinh số cũng như cần thiết lập khuôn khổ, cơ chế hữu hiệu trong phòng ngừa rủi ro an ninh mạng và bảo vệ bí mật thông tin khách hàng trong kỷ nguyên số.
Trong quá trình ứng dụng các kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phải quản lý được những thay đổi và đảm bảo rằng các dịch vụ an toàn bên cạnh việc triển khai các dịch vụ mới.
Do vậy, định hướng của ngành ngân hàng trong thời gian tới là phải xây dựng hoàn thiện cơ sở pháp lý tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. như xây dựng cơ sở pháp lý cho ngân hàng đại lý và nhiều hoạt động khác.
Để làm được việc này Ngân hàng nhà nước đã đề xuất trình Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho phép sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ mới đối với doanh nghiệp fintech trong lĩnh vực ngân hàng
Bên cạnh đó, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ xây dưng hạ tầng làm nền tảng cho việc cung cấp những dịch vụ số, đảm bảo được an ninh an toàn, thì phải tính đến cung cấp dịch vụ không chỉ phục vụ cho ngành ngân hàng mà phải tích hợp với các ngành khác như giao thông, dịch vụ công...
Ngân hàng Nhà nước có những kiến nghị gì để có thể triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách nhanh chóng và hiệu quả?
Tôi cho rằng ở tầm quốc gia nên có một chiến lược chung về tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Trong chiến lược đó nêu rõ công việc cụ thể của từng bộ ngành phải làm để đảm bảo được mỗi bộ, ngành nhận thức được công việc cũng như có sự liên kết với nhau ... tính liên kết rất cao trong các nghiệp vụ.
Tôi cũng đề xuất nên sớm triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung. Đặc biệt, ngành ngân hàng cần cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở dữ liệu về sinh trắc học, triển khai những giải pháp sát thực hơn với thực tế, cung cấp những dữ liệu của công dân.
Ngoài ra, chúng ta cần giáo dục đào tạo về kiến thức, nhận thức cho mọi người về cuộc cách mạng 4.0 này.
Xin cảm ơn ông.