Nhận diện rào cản trong thu hút FDI vào hạ tầng giao thông
Hạ tầng giao thông được xác định là một trong những nút thắt trong giảm thiểu chi phí logistics. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của EuroCham, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn, vai trò giám sát của Chính phủ cần được cải thiện mạnh mẽ hơn để gia tăng lòng tin của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi tham gia vào các dự án hạ tầng.
Nhiều rào cản trong phát triển lĩnh vực logistics
Theo Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ TP.HCM, chi phí logistics của Việt Nam so với GDP ở mức cao - 25%. Chi phí này được các chuyên gia đánh giá là tương đối cao so với khu vực và trên thế giới. Cụ thể, chi phí logistics ở Trung Quốc là 18%, Nhật Bản là 11%, châu Âu là 10%. Ngay cả với những quốc gia trong cùng khu vực, chi phí logistics của Việt Nam vẫn cần được cải thiện khi ở Thái Lan chỉ là 19%, Malaysia 13%, Singapore là 8%.
Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, với vị thế là trung tâm vận tải logistics đang phát triển thì chi phí ở mức cao như vậy đã khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn, đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài.
Để giải quyết vấn đề, Chính phủ Việt Nam đã xác định hạ tầng giao thông là một trong những mục tiêu chính cần giải quyết để giảm thiểu chi phí logistics. Tuy nhiên, các chuyên gia của EuroCham cho rằng, con đường này vẫn còn dài và đối diện với nhiều thách thức.
Khảo sát tại các DN thuộc EuroCham trong năm 2018 cho thấy, các DN châu Âu đều quan tâm đến vấn đề an toàn khi sử dụng hệ thống hạ tầng tại Việt Nam cũng như năng lực khai thác còn hạn chế của các hệ thống này, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn hoặc kéo dài thời gian di chuyển.
Khảo sát của EuroCham chỉ rõ, chất lượng, cách vận hành và khai thác, quản lý của các tuyến đường cao tốc được đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư - PPP (cụ thể là theo loại hợp đồng BOT) chưa được tối đa hóa hiệu quả và chưa thật sự giảm bớt vấn đề tắc nghẽn giao thông. Đối với đường thủy, hiện tượng tắc nghẽn tại các cảng trong thời gian cao điểm hoặc sau các kỳ nghỉ lễ gây khó khăn cho DN về chi phí và thời gian…
“Trong những năm gần đây, nhờ nỗ lực của Chính phủ, các vấn đề nhũng nhiễu, chi phí không chính thức đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, song đây là những vấn đề mà các DN châu Âu vẫn quan tâm nhiều” - Sách Trắng 2019 của EuroCham nêu rõ.
Gỡ vướng cho dự án PPP giao thông
Ở Việt Nam hiện nay, theo đánh giá của các chuyên gia EuroCham, mức độ ưu tiên cho việc cải thiện hệ thống hạ tầng chưa được cao như kỳ vọng. Điều này dẫn đến ngành logistics chưa có cơ hội phát huy hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Will Mackereth - đại diện Tiểu ban Vận tải và Hậu cần thuộc EuroCham nhấn mạnh, cải thiện hạ tầng giao thông để phục vụ cho logistics là yếu tố then chốt để thu hút FDI, tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các khu vực khác trên thế giới, kết nối các công ty Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu; đồng thời giúp Việt Nam trở thành trung tâm vận tải tại khu vực ASEAN.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào những dự án hạ tầng giao thông gặp khó khăn khi cơ chế về PPP hiện hành chưa phù hợp. Các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, khá quan tâm đến các dự án BT. Qua đó khi thi công hạ tầng công (chủ yếu là đường cao tốc), nhà đầu tư được thanh toán bằng việc cấp quyền thực hiện một dự án, thường là phát triển đô thị hoặc phát triển bất động sản... Cơ chế này có nhiều rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài. “Rõ ràng là cần có một môi trường pháp lý mạnh mẽ hơn cho PPP để khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân và đặc biệt là các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn của Việt Nam” - ông Will Mackereth nhấn mạnh.
Ông Will Mackereth khuyến nghị, vai trò giám sát của Chính phủ cần được chú trọng để không chỉ đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả (đối với cả dự án công lẫn dự án tư nhân) mà còn đảm bảo sự an toàn và tính bền vững của các công trình này. Điều này cũng sẽ góp phần củng cố sự tin tưởng của các DN và xã hội, cũng như nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài trong tương lai.