Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022
Nhận diện rõ thách thức để tìm giải pháp
Theo các chuyên gia, Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 phải nhận diện đầy đủ và toàn diện các rủi ro, thách thức đối với đất nước. Đây là đầu vào quan trọng để tìm ra giải pháp.
PGS.TS. ĐINH TRỌNG THỊNH, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính: Mổ xẻ kỹ các vấn đề lớn
Dưới tác động của dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại, đồng thời lạm phát rất cao. Đặc biệt, sự thiếu hụt nguyên liệu năng lượng là vấn đề lớn với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước châu Âu cũng kéo giảm tăng trưởng toàn cầu.
Ở trong nước, từ quý IV năm ngoái, nền kinh tế đã dần phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao. Dự báo trong tháng 9 này, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ tiếp tục cao hơn. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với khó khăn là giá cả tăng cao, một số nguyên vật liệu thiếu hụt, đứt gãy một số chuỗi cung ứng…
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai song hiện vẫn khá chậm, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, các gói hỗ trợ giải ngân chưa như mong muốn. Đây là thách thức rất lớn trong quá trình phục hồi và phát triển.
Trong bối cảnh đó, để phát triển bền vững, tôi cho rằng trước tiên chúng ta phải phòng chống được dịch bệnh; đồng thời, phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn trong nền kinh tế. Tỷ giá phải ổn định - đây là yếu tố cực quan trọng để ổn định các mối quan hệ khác trong nền kinh tế.
Tôi mong muốn Diễn đàn nhận diện được các khó khăn, thách thức đối với đất nước hiện nay và cả trong thời gian tới. Đây sẽ là đầu vào quan trọng để tìm ra giải pháp. Đặc biệt, với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, nhất là giải ngân đầu tư công chậm thì phải chỉ rõ vì sao, cách nào thúc đẩy? Các chương trình hỗ trợ có nên tiếp tục triển khai hay xem xét dừng lại? Nếu làm thì sẽ làm như thế nào? Giữ ổn định tỷ giá ra sao?... Đây là những vấn đề lớn mà chỉ khi mổ xẻ kỹ lưỡng, Quốc hội mới có được giải pháp, phương hướng hành động cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương thực hiện.
TS. LÊ QUỐC PHƯƠNG, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương: Nhận diện cả thách thức trước mắt và lâu dài
Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 phải nhận diện được các thách thức cả trước mắt và lâu dài. Đây là yếu tố rất quan trọng, trên cơ sở đó cùng tìm ra các giải pháp vượt qua.
Thách thức lớn nhất trong giai đoạn 2022 - 2023 là vượt qua đại dịch, phục hồi lại các ngành kinh tế và xã hội. Thách thức trong dài hạn là nền kinh tế thời gian qua có phát triển song kém bền vững đòi hỏi tới đây phải chuyển nhanh, chuyển mạnh sang mô hình kinh tế tăng trưởng mới, dựa vào năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ…
Đối với thách thức trước mắt, chúng ta cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, thực hiện có thực chất, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Chương trình và kế hoạch phục hồi được đề ra rất bài bản, có tham vấn các nhà kinh tế, song triển khai còn quá chậm.
Ngay với giải ngân đầu tư công, chúng ta đã có nhiều giải pháp thúc đẩy, Thủ tướng thành lập các tổ công tác để đôn đốc song 8 tháng năm 2022 mới giải ngân khoảng 30%. Gói hỗ trợ lãi suất 2% dù được kỳ vọng tiếp sức cho doanh nghiệp, hợp tác xã song các ngân hàng không mấy mặn mà vì liên quan đến ngân sách, nếu làm sai sẽ bị xử lý. Thủ tục để cho vay cũng chặt chẽ, soát xét lâu. Hay gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cũng triển khai rất chậm…
Rõ ràng, chúng ta đang vướng rất nhiều, bao gồm cả thể chế lẫn thực thi. Do đó, kỳ vọng vào Diễn đàn rất lớn, là sẽ tìm ra được lời giải căn cơ tháo gỡ những nút thắt này.
Về dài hạn, cần gỡ vấn đề thành tích, tức phải thay đổi tư duy. Nên nhớ, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới cần thời gian chứ không thể chỉ trong một vài nhiệm kỳ. Nếu nôn nóng tốc độ tăng trưởng trước mắt, khó có thể tính đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam VŨ MINH TIẾN:
Hài hòa phát triển xã hội với kinh tế
Tôi rất mừng vì Diễn đàn lần này lấy chủ đề là “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững". Chúng ta không thể tăng trưởng bền vững nếu phát triển kinh tế mà không gắn với phát triển xã hội. Chủ trương của Đảng là phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội. Do vậy, điều quan trọng là phải lồng ghép vấn đề bảo đảm đời sống, việc làm của người dân nói chung, công nhân nói riêng trong các chính sách kinh tế cụ thể.
Đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, các hệ thống bảo trợ xã hội, an sinh xã hội còn rất hạn chế. Những người lao động làm công ăn lương, ngoài chính sách bảo hiểm ra gần như không có quỹ nên khi có cú sốc, họ gặp rất nhiều khó khăn.
Thời gian tới, các cú sốc có thể còn lớn hơn từ khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, bên cạnh chú trọng tốc độ phát triển kinh tế cần hài hòa với phát triển xã hội để bảo đảm tính bền vững.
Theo tôi, tới đây, cần tính toán để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho cả lao động tự do và khu vực không chính thức. Bên cạnh đó, cần chú ý định hướng cho người lao động khi bị mất việc làm để họ có khả năng thích ứng, tìm được công việc mới. Đồng thời, bảo đảm tiền lương thỏa đáng với năng suất, đóng góp của người lao động.