Nhân lực Việt trước "đường băng" mới
Việc chuyển đổi kinh tế số cộng với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực, nhân lực Việt đang đứng trước thách thức lớn nếu muốn cất cánh trên "đường băng" mới.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu thì điện tử – công nghệ thông tin đang là nhóm ngành có nhu cầu nhân lực lớn nhất với trên 22.260 việc làm trong năm 2019. Đứng thứ nhì là nhu cầu nhân lực cho nhóm ngành cơ khí với 15.630 việc làm.
Rủi ro tay nghề thấp
Thị trường lao động ở thành phố "đầu tàu" kinh tế này trong năm 2019, như nhận định của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh, dự kiến sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với công nghệ 4.0 như ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kỹ thuật về công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, thương mại điện tử, marketing điện tử, dịch vụ y tế, nông nghiệp công nghệ cao.
Thực tế cho thấy ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng hay các địa phương có kinh tế phát triển trong cả nước nói chung vẫn luôn "khát" nguồn nhân lực có tay nghề chất lượng cao ở lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo. Trong khi đó, các tác động của số hóa liệu có đe doạ rủi ro việc làm của nhiều lao động có tay nghề thấp vẫn là vấn đề đang được đặt ra.
Như lưu ý của G.,TS. Georg Spottl (Đại học Bremen), trên 60% người lao động làm công ăn lương ở Việt Nam và các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái Lan, Philippines làm các vị trí cơ khí – điện (E&E) có nguy cơ cao do tự động hóa. Khả năng mất việc vì rủi ro từ tự động hóa còn có thể xảy đến với 1,6 triệu thợ xây và 769.000 thợ vận hành máy khâu tại Việt Nam.
Vì vậy, ông Georg Spottl khuyến nghị cần có chương trình hành động đào tạo nghề cho nhân lực Việt. Đặc biệt là tái thiết kế các hồ sơ nghề và chương trình đào tạo, chủ động phản ứng với thay đổi mô hình công nghệ, định hướng theo quan điểm "bắt đầu với phần mềm" và "kết nối mạng". Đồng thời, cần có chiến dịch thiết bị (số hóa) cho các trung tâm đào tạo nghề.
Nói về tương lai việc làm Việt Nam khi chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Ts. Wendy Cuningham (Ngân hàng Thế giới) cho rằng có sự không tương xứng giữa công việc và kỹ năng, nhất là trình độ kỹ năng ngày nay không đáp ứng được công việc khi mà 70% lực lượng lao động mới chỉ hoàn thành bậc trung học cơ sở hoặc thấp hơn.
"Nhà tuyển dụng cho rằng trình độ học vấn là một trong ba trở ngại hàng đầu đối với hoạt động của doanh nghiệp (DN). Trong khi đó, công việc hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu là kỹ năng thấp khi mà 46% là hộ gia đình nông nghiệp, 20% là chủ DN hộ gia đình. Hầu hết là công việc bán kỹ năng, chỉ có 11% là chuyên môn", TS. Wendy cho biết.
Mới đây, khi phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có đề cập đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực, nhất là cần đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với DN.
Chịu thêm áp lực
Theo chuyên gia Phùng Thị Yến (Đại học Ngoại Thương), Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) là thể hiện sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của mình, vì thế các DN Việt Nam cần có cái nhìn hiện đại về nhân sự và quan hệ lao động.
Bà Yến băn khoăn rằng người lao động, DN khi tham gia hội nhập sẽ chịu những bất lợi từ việc mở cửa thị trường. Lúc đó, hàng hóa của các nước, nhất là một lượng lớn hàng tiêu dùng chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng sẽ nhập khẩu vào Việt Nam cộng với tâm lý sính hàng ngoại sẽ khiến DN trong nước thêm khó khăn có thể phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động mặc dù số việc làm của một số ngành nghề có thể tăng lên.
"Trong quá trình tham gia FTA Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam còn phải chịu thêm áp lực đổi mới hệ thống giáo dục – đào tạo, cải thiện chất lượng lao động do chiến lược khai thác lợi thế giá nhân công rẻ của đầu tư trực tiếp nước ngoài, cải thiện việc làm cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương. CPTPP cùng với EVFTA có đặc điểm là nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động", bà Yến thông tin.
Có những ý kiến cho rằng hội nhập quốc tế với các FTA thế hệ mới sẽ mang lại nhiều việc làm hơn nhưng chưa chắc đã đem lại việc làm tốt hơn, với thu nhập đủ sống trong điều kiện an toàn hơn cho người lao động.
Do đó, để đảm bảo quan hệ lao động và điều kiện lao động tốt hơn, bản thân cải cách nội bộ trong toàn bộ hệ thống lao động của Việt Nam phải được tiếp tục, thậm chí phải đẩy nhanh hơn, nếu không thì lực lượng thị trường quá mạnh, đẩy điều kiện lao động càng ngày càng đi xuống. Khi ấy, lợi ích mang lại từ FTA này đại đa số sẽ chảy vào túi các nhãn hàng nước ngoài, thậm chí các nhà máy của Việt Nam cũng được hưởng lợi rất ít.
Có thể thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cộng với các FTA mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là CPTPP vừa có hiệu lực, nhân lực Việt đang đứng trước thách thức lớn nếu muốn cất cánh trên "đường băng" mới.
Các yêu cầu mới dẫn đến nhu cầu phải điều chỉnh trình độ chuyên môn năng lực của người lao động trong tương lai cho phù hợp. Hơn nữa, rất cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực DN (bên cầu) với các trường, hệ thống dạy nghề (bên cung).