Nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe
Công bố thông tin trên thị trường chứng khoán đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả, công bằng giữa các doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán. Bài viết phân tích, đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin tự nguyện của 24 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán trong năm 2016, qua đó, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường mức độ công bố thông tin tự nguyện của các doanh nghiệp này.
Thực trạng của việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán
Ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực châu Á (gần 20%), với hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trong đó, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán (TTCK) đối với ngành này chiếm tỷ trọng khá lớn.
Trên TTCK, thông tin là yếu tố mang tính nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định đầu tư. Thông tin càng kịp thời và chính xác thì niềm tin lẫn sự kỳ vọng của nhà đầu tư (NĐT) đối với TTCK càng lớn.
Hiện nay, ở Việt Nam, NĐT chưa nhận được nhiều thông tin về DN mà họ đã bỏ vốn đầu tư. Những quy định hiện nay về công bố thông tin trên TTCK dù khá chặt chẽ nhưng vẫn còn những kẽ hở cho các DN niêm yết trên sàn lợi dụng công bố thông tin (CBTT) sai lệch hoặc chậm trễ, gây thiệt hại cho NĐT và người sử dụng thông tin.
Do vậy, việc tăng cường mức độ CBTT của các DN ngành chăm sóc sức khỏe sẽ giúp các NĐT đánh giá khách quan, chính xác khi ra quyết định đầu tư, đồng thời tăng tính minh bạch để xây dựng một TTCK lành mạnh và phát triển tốt.
Thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/12/2017 có 24 DN thuộc ngành chăm sóc sức khỏe đang niêm yết trên Sàn Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Trong bài viết này, tác giả nghiên cứu 24 DN trên cơ sở sử dụng nguồn dữ liệu Báo cáo thường niên năm 2016.
Các nghiên cứu liên quan
Đa số các nghiên cứu trước đây tập trung vào các nhân tố ảnh hưởng đến CBTT, mức độ CBTT tự nguyện và những kết luận của các nhà nghiên cứu cho thấy, nhân tố ảnh hưởng đến CBTT và mức độ CBTT tự nguyện là do đặc điểm quản trị công ty như cơ cấu sở hữu, quản trị DN, quy mô cũng như thành phần hội đồng quản trị (HĐQT), công ty kiểm toán độc lập…
Ở Việt Nam, vấn đề CBTT cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Nghiên cứu của Phạm Thị Bích Vân (2012) xem xét mối quan hệ giữa cơ chế quản trị và CBTT của 101 công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam. Nghiên cứu của Hiếu & Lan (2015) “Các yếu tố ảnh hưởng đến công bố tự nguyện của các công ty niêm yết” có kết quả là sở hữu nước ngoài và quy mô của DN chính là nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện.
Mục tiêu và giả thuyết nghiên cứu
Nghiên cứu nhằm đo lường mức độ CBTT của các DN ngành chăm sóc sức khỏe niêm yết trên TTCK Việt Nam. Đánh giá mối liên quan giữa mức độ CBTT với các đặc điểm quản trị của DN thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dựa trên các kết quả nghiên cứu trước, trong bối cảnh của Việt Nam cũng như qua quá trình thu thập dữ liệu, các giả thuyết được phát triển trong nghiên cứu này là:
Về mức độ công bố thông tin
Nghiên cứu sử dụng các câu hỏi nghiên cứu của các tác giả Chau & Gray (2002), Akhtaruddin & cộng sự (2009), để tập hợp những chỉ mục cho danh sách đánh giá mức độ CBTT tự nguyện tại Việt Nam. Các nghiên cứu này được đánh giá có uy tín và được tiến hành ở các quốc gia có đặc điểm tương tự như thị trường tài chính Việt Nam.
Sau đó, loại trừ các thông tin bắt buộc công bố theo quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn CBTT trên TTCK, danh sách cuối cùng gồm 4 nhóm thông tin tự nguyện được chia thành 72 yếu tố thông tin cần được đo lường.
Tiến hành đánh giá theo kỹ thuật lưỡng phân (1,0), nếu DN công bố thông tin trong danh sách các chỉ mục được chọn thì nhận giá trị là 1 còn ngược lại nhận giá trị là 0 nếu không công bố. Chỉ số CBTT được tính theo công thức:
TDS - Total disclosure score
n
TDS = ∑ di
i=1
Trong đó, d = 1 nếu chỉ mục di được công bố, d = 0 nếu chỉ mục di không được công bố, n: số các chỉ mục
Mô hình nghiên cứu
Nghiên cứu này sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính bội theo phương pháp bình phương nhỏ nhất (Ordinary Least Square) với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 16.0 để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT.
Mô hình hồi quy tổng thể có dạng:
Yi = ß0 + ß1X1i+ ß2X2i + ß3X3i + ß4X4i + ß5X5i + ß6X6i + ß7X7i + εi
Trong đó, Y: tổng chỉ số CBTT
ß0: Tham số chặn
ε = Sai số ngẫu nhiên
Kết quả nghiên cứu
Mức độ công bố thông tin
Số liệu thống kê mô tả của chỉ số CBTT ở Bảng 3 cho thấy, chỉ số CBTT của các DN trong mẫu đạt trung bình 0,3526. Mức độ CBTT tự nguyện của các DN ngành chăm sóc sức khoẻ niêm yết trên sàn chứng khoán chỉ đạt 35,26% so với mức độ yêu cầu. Chênh lệch giữa mức độ công bố cao nhất 52% và mức thấp nhất 26% là 26% với độ lệch chuẩn 7,2,% nghĩa là mức độ CBTT của các DN trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe chưa đồng nhất.
Mức độ CBTT tự nguyện của các DN này còn rất thấp, còn đến 64,74% thông tin chưa được các DN công bố. Lý do của mức độ CBTT tự nguyện thấp xuất phát từ yếu tố khách quan là TTCK Việt Nam tương đối trẻ nên chưa chú trọng trong việc minh bạch thông tin tự nguyện.
Hơn nữa, các NĐT thường đầu tư theo đám đông, ít quan tâm đến thông tin của DN. Ngoài ra, còn có lý do từ phía các DN, hầu hết các DN nói chung và các DN thuộc ngành chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế trong việc lập báo cáo thường niên.
Các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin
Thống kê mô tả:
Nhóm biến về cơ cấu sở hữu, sở hữu nhà nước ở các DN lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trung bình là 13,29%, trong đó có DN mà sở hữu nhà nước chiếm 43%, thấp hơn rất nhiều so với mức 23% trong nghiên cứu một số nghiên cứu trước đây. Có thể thấy, các DN ngành chăm sóc sức khỏe có tỷ lệ sở hữu vốn của nhà nước không cao.
Trong 24 DN trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe thì tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài trung bình là 11,51% cao hơn so với nghiên cứu của Hiếu & Lan (2015) là 7,99%. Điều này phản ánh rằng, có sự tham gia ngày càng nhiều của các NĐT nước ngoài vào các DN chăm sóc sức khỏe niêm yết.
Với nhóm biến về quản trị DN, số lượng thành viên HĐQT trung bình ở các DN chăm sóc sức khỏe niêm yết là 5,67. Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập không điều hành chiếm trung bình 40% thấp hơn tỷ lệ 47,4% trong nghiên cứu Hiếu & Lan (2015), nhưng tỷ lệ này cũng chấp nhận được vì theo mục 2 Điều 30 Thông tư số 121/2012/TT-BTC quy định tối thiểu 1/3 (30%) tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập.
Phân tích tương quan:
Phân tích tương quan cho 2 nhóm biến gồm biến phụ thuộc là mức độ CBTT và nhóm biến độc lập gồm nhóm biến về cơ cấu sở hữu: sở hữu nhà nước, sở hữu nước ngoài, sở hữu nhóm nhà quản lý và nhóm biến về quản trị DN: (kích thước HĐQT, tỷ lệ độc lập HĐQT, kiêm nhiệm, công ty kiểm toán).
Tương quan hạng Pearson thể hiện mối quan hệ giữa các cặp biến, nếu giá trị tuyệt đối của hệ số Pearson gần đến 1 thì 2 biến này có mối quan hệ tuyến tính chặt chẽ. Kết quả được trình bày ở phụ lục, theo đó mức độ CBTT tương quan ý nghĩa với biến độc lập sở hữu nhà nước, sở hữu nước ngoài, tỷ lệ độc lập HĐQT, công ty kiểm toán.
Phân tích hồi quy bội:
Nghiên cứu này sử dụng hệ số phóng đại phương sai (VIF) để kiểm tra đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy. Các VIF cho tất cả các biến độc lập phải nhỏ hơn 10. Vì vậy, khẳng định rằng, cộng tuyến không phải là một vấn đề đối với mô hình này và dường như không đặt ra một vấn đề nghiêm trọng trong việc giải thích các kết quả phân tích hồi quy đa biến (Hussain M. A. & Mehedi H. T., 2013).
Kết quả phân tích hồi quy theo phương pháp Enter cho thấy, nhân tố thực sự ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện là sở hữu NĐT nước ngoài, số lượng HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập và kiêm nhiệm quy mô DN. Để chắc chắn cho phần kết luận, chúng ta tiến hành loại các biến không ảnh hưởng ra khỏi mô hình hồi quy và đưa các biến có ảnh hưởng vào chạy mô hình hồi quy lần thứ hai để tìm ra mô hình tối ưu.
Kết quả phân tích hồi quy lần 2 cho thấy, các nhân tố sở hữu của NĐT nước ngoài, số lượng thành viên HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc đều có mức ý nghĩa Sig<0,05 (5%). Từ đó, có thể cho rằng, các nhân tố này có ảnh hưởng đến mức độ CBTT và có ý nghĩa trong mô hình hồi quy.
Với hệ số R² điều chỉnh=0,733 nghĩa là các nhân tố này giải thích được 73,3% mức độ CBTT của các DN ngành chăm sóc sức khỏe niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Kết quả cho thấy, giá trị Sig của trị F là 0,000 (0%<5%) với các biến dự báo là sở hữu của NĐT nước ngoài, số lượng thành viên HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập và chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc. Vậy mô hình hồi quy tuyến tính bội phù hợp với tập dữ liệu và sử dụng được.
Như vậy, mối quan hệ của nhân tố sở hữu của NĐT nước ngoài, số lượng thành viên HĐQT, tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập là mối quan hệ thuận chiều, còn nhân tố chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc là quan hệ ngược chiều. Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT được biểu diễn như sau:
TDS = 0,124 + 0,394 x Sở hữu của NĐT nước ngoài + 0,42 x Số lượng thành viên HĐQT + 0,447 x Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập – 0,321 x Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc.
- Sở hữu nhà nước: Giả thuyết này không được chấp nhận, hay nói cách khác, mức độ CBTT không phụ thuộc vào sở hữu nhà nước trong các DN trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu trước đây như Yuen & cộng sự (2009); Hiếu & Lan (2015). Sở hữu nước ngoài có mối quan hệ thuận chiều với mức độ CBTT ở các DN ngành chăm sóc sức khỏe được niêm yết.
Nghĩa là DN có tỷ lệ sở hữu nước ngoài cao thì mức độ CBTT tự nguyện của các DN càng lớn. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Barako & cộng sự (2006); Hiếu và Lan (2015); nhưng lại ngược với Kelly Vu (2012).
- Sở hữu nhóm nhà quản lý: Giả thiết này cũng không được chấp nhận, hay nói cách khác mức độ CBTT không phụ thuộc vào sở hữu của nhóm nhà quản lý của DN. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Hiếu & Lan (2015); nhưng ngược với Kelly Vu (2012).
- Quy mô HĐQT: Số lượng thành viên HĐQT có mối quan hệ thuận chiều với mức độ CBTT tự nguyện, hay nói cách khác quy mô HĐQT càng lớn thì mức độ CBTT tự nguyện của DN ngành chăm sóc sức khỏe được niêm yết càng cao. Điều này phù hợp với nghiên cứu của Akhtaruddin & cộng sự (2009); Rouf (2010); Phạm Thị Bích Vân (2012).
- Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập: Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập tương quan dương với mức độ CBTT tự nguyện, hay có thể kết luận các DN hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được niêm yết trên TTCK có tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập cao thì có xu hướng CBTT tự nguyện với mức độ cao.
Kết quả này tương đồng với các nghiên cứu của Eng & Mark (2003); Yuen & cộng sự (2009); Akhtaruddin & cộng sự (2009); Phạm Thị Bích Vân (2012); Kelly Vu (2012). Kết luận này ngược với nghiên cứu của Ho & Wong, (2001); Barako & cộng sự (2006); Hiếu & Lan (2015)...
- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc: Kết quả của biến này phù hợp với giả thuyết H6 đưa ra - đó là kiêm nhiệm chủ tịch HĐQT và tổng giám đốc có mối quan hệ ngược chiều với mức độ CBTT. Kết luận này tương đồng với nghiên cứu của Phạm Thị Bích Vân (2012); nhưng ngược với Yuen & cộng sự (2009); Hiếu & Lan (2015).
Kết luận và gợi ý chính sách
Qua việc nghiên cứu 24 DN ngành chăm sóc sức khỏe hiện đang niêm yết trên TTCK Việt Nam, cho thấy mức độ CBTT tự nguyện của các DN chỉ đạt 35,26% so với mức độ yêu cầu. Đồng thời, đã xem xét 7 nhân tố trong mối quan hệ với mức độ CBTT tự nguyện và kết quả có 4 nhân tố là: Sở hữu nước ngoài; Kích thước HĐQT; Tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập và Kiêm nhiệm thực sự ảnh hưởng đến mức độ CBTT tự nguyện của DN trong ngành chăm sóc sức khỏe. Từ những kết quả này, tác giả đã đưa một số gợi ý chính sách nhằm nâng cao mức độ CBTT tự nguyện của các DN chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam hiện nay.
Đối với DN niêm yết:
Các DN niêm yết cần tăng cường quản trị DN. Việc quản trị tốt sẽ giúp HĐQT giám sát Ban điều hành tốt hơn trong quản lý DN, giảm thiểu chi phí, góp phần minh bạch hóa thông tin đã cung cấp. Bên cạnh đó, cần xây dựng văn hóa DN.
Điều này xuất phát từ nhận thức và quan điểm của nhà quản trị. Tinh thần minh bạch hóa thông tin cần được quán triệt từ nhà quản lý đến bộ máy hoạt động của DN. Điều này không chỉ giúp cho chất lượng, số lượng thông tin cung cấp tăng lên mà còn hạn chế được hành vi gian lận trong các DN.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước:
Khuyến khích các DN niêm yết gia tăng CBTT tự nguyện bằng việc phát động các cuộc bình chọn, giải thưởng cho các DN thực hiện tốt; Tiếp tục mở tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài.
Xây dựng chỉ số minh bạch thông tin với các DN niêm yết. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện quy trình và phương tiện CBTT tự nguyện.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Trúc Loan (2012), Bàn về mối quan hệ giữa một số nhân tố thuộc đặc điểm DN và mức độ công bố thông tin của các DN niêm yết trên TTCK Việt Nam;
2. Lê Trường Vinh (2008), Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ minh bạch thông tin của DN niêm yết theo cảm nhận của NĐT, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
3. Dulacha G. Barako (2007), Determinants of voluntary disclosure in Kenyan companies annual reports. African Journal of Business management, 1 (5), 113-128;
4. Xiao, J. Z., Yang, H. & Chow, C. W. (2004), The determinants and characteristics of voluntary internet-based disclosure by listed Chinese companies. Journal of Accounting & Public Policy, 23 (3), 191-225.