Nhập khẩu thực phẩm vào EU: tuân thủ quy định, bám sát yêu cầu thị trường
Minh bạch về thông tin, chất lượng là một trong những đòi hỏi hàng đầu khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường EU. Để hiểu rõ các quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu nên tham khảo thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển noogn thôn - NN&PTNT).
Đầu mối thông tin về thị trường thực phẩm EU
Minh bạch về thông tin, chất lượng là một trong những đòi hỏi hàng đầu khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường EU.
Ông Lương Ngọc Quang - Phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT) cho biết, khi tham gia công ước bảo vệ thực vật quốc tế, chúng ta phải áp dụng quản lý kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với thị trường EU, tất cả các lô hàng phải đáp ứng các yêu cầu sản phẩm không được nằm trong danh mục thực vật, sản phẩm thực vật bị cấm hoặc tạm dừng nhập khẩu vào các nước EU; không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của EU và hầu như không bị nhiễm các loài dịch hại khác; phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (chỉ có 5 loại trái cây là dứa, chuối, dừa, sầu riêng và chà là không cần có giấy); vật liệu đóng gói bằng gỗ phải đạt tiêu chuẩn quốc tế về vật liệu đóng gói bằng gỗ (ISPM-15).
"EU đặc biệt quan tâm đến nhóm ruồi đục quả trên các sản phẩm rau quả nên phải đàm phán phương án xử lý. Ngoài ra, các sản phẩm trái cây tươi, hạt điều, cà phê,... khi xuất khẩu sang EU đều yêu cầu hàng phải có tiêu chuẩn giống hoặc tương đương tiêu chuẩn đang áp dụng ở EU", ông Quang nói.
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) thuộc Bộ NN&PTNT hằng tháng nhận được khoảng một trăm các thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS bao gồm các dự thảo hay đổi về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, về đối tượng kiểm dịch, về quy định vật liệu tiếp xúc với sản phẩm….
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đến nay Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại song phương và đa phương, trong đó có 16 hiệp định đã ký kết chính thức và 3 hiệp định đang tiến hành đàm phán.
Trong đó, có nhiều hiệp định được cho là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết bắt buộc áp dụng, với nhiều quy định về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) mà chúng ta phải tuân thủ để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo ông Nam, các sản phẩm nông sản, thực phẩm muốn nhập khẩu vào EU phải tuân thủ các quy định của thị trường này đưa ra như: Quy định về đăng ký danh sách doanh nghiệp, quy định về mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật, quy định về mức dư lượng kháng sinh đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, các quy định về chất phụ gia thực phẩm, vật liệu tiếp xúc với thực phẩm, quy định về sản phẩm phối trộn, quy định về vùng an toàn dịch bệnh, quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với các cơ sở chế biến, quy định IUU, quy định chống phá rừng (EUDR) hoặc các quy định liên quan khác…
Chi tiết quy định đối với từng sản phẩm, nhà xuất khẩu nên tham khảo chính thức các cơ quan có thẩm quyền hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn.
"Hiện EU chia sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu thành 2 loại, ít rủi ro và rủi ro cao. Trong đó, những sản phẩm ít rủi ro, thông qua các đánh giá của phía bạn, sẽ không yêu cầu kiểm soát tại cửa khẩu một cách hệ thống. Ngược lại, sản phẩm rủi ro cao sẽ cần nhiều biện pháp kiểm soát", ông Nam cho biết.
Doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ luôn được thị trường đón nhận
Ngày 14/6 tại tỉnh Phú Yên, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên tổ chức Hội nghị Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Tại hội nghị, ông Phạm Trung Thành - Trưởng bộ phận đối ngoại Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, việc EU bỏ kiểm soát đối với sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam là một thông tin cực kỳ tốt cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu khác vào thị trường EU.
"Việc EU đưa sản phẩm mỳ ăn liền của Việt Nam ra khỏi danh mục kiểm soát cho thấy nỗ lực của các nhà sản xuất Việt Nam, quá trình đồng hành, hướng dẫn sát sao, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ NN&PTNT mà đại diện là Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ khi đã kịp thời cập nhật thông tin từ phía các nhà nhập khẩu, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các quy định đó. Điều này cũng khẳng định niềm tin của các nhà nhập khẩu EU với các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam", ông Thành nói.
"Từ kinh nghiệm của Acecook, theo tôi để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của EU phải bám sát yêu cầu thị trường, bởi khi tham gia EVFTA các hàng rào thuế quan gần như không còn nhưng chúng ta phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật hàng ngày.
Do đó, doanh nghiệp phải hiểu đúng, hiểu rõ và để thực hiện được cần phải có sự đồng hành, phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước vì với thị trường EU chỉ cần một lỗi nhỏ của một doanh nghiệp cũng khiến ngành hàng đối mặt với nhiều khó khăn", ông Thành nói.
Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), theo ông Ngô Xuân Nam, đây cũng là FTA thế hệ mới, với các cam kết bao trùm nhiều lĩnh vực, mức độ tự do hóa mạnh và mức cam kết cao hơn phần lớn các FTA đã có của Việt Nam. EVFTA đã có những tác động đáng kể và tích cực cả về kinh tế và thể chế cho Việt Nam.
"Việc cập nhật và phổ biến các quy định về SPS đối với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân là đặc biệt quan trọng, bởi vì quy định SPS là quy định bắt buộc áp dụng, nếu chúng ta vi phạm, sẽ bị đối tác nhập khẩu cảnh báo vi phạm.
Việc này, sẽ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng đến cả ngành hàng và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.
Ông Nam khuyến cáo các doanh nghiệp, đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật cần tăng cường hơn nữa việc tuân thủ quy định của EU, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khi mà nhiều mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của EU ở mức rất thấp.
Ông Nam cho rằng, EU là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của nông sản Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường có nhiều yêu cầu chặt chẽ, khoa học về mặt kỹ thuật.
Nếu chúng ta tuân thủ tốt yêu cầu của thị trường EU sẽ là cơ hội để đưa nông sản Việt Nam vào nhiều thị trường tiềm năng trên thế giới khi mà Việt Nam đã và đang tham gia tới 19 FTA song phương và đa phương trong đó có 16 FTA có hiệu lực với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.