Nhật Bản chật vật để đạt mục tiêu lạm phát
Trong báo cáo triển vọng kinh tế quý IV/2016, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định không tung thêm kích thích, dù hạ dự báo lạm phát và cảnh báo rủi ro giá cả.
Việc này cho thấy họ sẽ vẫn đứng ngoài cho đến khi có cú sốc nghiêm trọng đe dọa kéo tụt đà phục hồi kinh tế vốn đã rất mong manh của nước này. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên dự báo về cải thiện ngắn hạn tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, một lần nữa, họ lại hoãn thời hạn đạt mục tiêu lạm phát 2% và cảnh báo đà tăng giá yếu hơn 3 tháng trước. Ông Kuroda cho rằng có thể phải đến đầu năm 2019, CPI lõi (bỏ thực phẩm và năng lượng) mới lên mốc này, thay vì trước tháng 3/2018.
Cơ quan này giữ lãi suất ngắn hạn tại -0,1% và cam kết duy trì lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm quanh 0%. "BOJ đã xác định sẽ có cuộc chiến trường kỳ để đạt mục tiêu lạm phát rồi. Vì thế, việc hoãn thời hạn đạt mục tiêu cũng sẽ không buộc họ hành động đâu. Tác động duy nhất bây giờ khiến họ phải nới lỏng có lẽ là đồng yen tăng vọt", Yasunari Ueno - kinh tế trưởng tại Mizuho Securities cho biết. Tỷ giá hiện tại là 104,8 yen một USD.
Trong báo cáo, BOJ cũng hạ lạm phát năm tài chính 2017 xuống 1,5%, từ 1,7% trước đó. CPI lõi của Nhật Bản đã giảm 7 tháng liên tiếp. Chi tiêu hộ gia đình cũng lao dốc trong tháng 9. Việc này càng củng cố quan điểm của BOJ rằng sẽ phải mất thêm thời gian nữa lạm phát mới đạt 2%.
Sau phiên họp hồi tháng 9, BOJ quyết định chuyển hướng chính sách, từ in tiền sang kiểm soát lãi suất trái phiếu. Trước đó, Nhật Bản áp dụng chương trình mua lại tài sản quy mô lớn trong nhiều năm để hồi sinh nền kinh tế. Vì thế, động thái tháng 9 khiến nhiều người nghi ngờ BOJ đã hết cách.
Theo Báo cáo, GDP Nhật Bản quý II có tăng, nhưng các nhà phân tích cho rằng nửa cuối năm, tốc độ này sẽ giảm, do xuất khẩu và nhu cầu toàn cầu yếu. Mức tăng lương chậm cũng khiến tiêu dùng ảnh hưởng, càng làm giảm khả năng nền kinh tế này hồi phục trong ngắn hạn.