Nhật Bản: Công tác truyền thông điện hạt nhân tạo sự đồng thuận trong dư luận
Do không có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nên Nhật Bản buộc phải phát triển năng lượng hạt nhân. Để tạo sự đồng thuận trong dư luận về vấn đề phát triển điện hạt nhân, Nhật Bản rất chú trọng công tác truyền thông điện hạt nhân.
Tại Nhật Bản, sau thảm họa rò rỉ phóng xạ Fukushima, điện hạt nhân đã sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, đến ngày 11/4/2014, Nhật Bản đã rút mục tiêu từ bỏ điện hạt nhân. Trong năm 2015, Nhật Bản đã khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân theo gói các tiêu chuẩn mới, được áp đặt kể từ sau thảm họa gây sự cố nóng chảy nhiên liệu tại 3 lò phản ứng ở nhà máy Fukushima cách đây 4 năm. 2 tổ máy của nhà máy điện hạt nhân Sendai hoạt động trở lại.
Tiếp theo Sendai, khoảng 15 lò phản ứng khác ở các địa phương đang trên tiến trình xem xét để trở thành các lò phản ứng tiếp theo được cấp phép tái khởi động.
Do không có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nên Nhật Bản buộc phải phát triển năng lượng hạt nhân. Tokyo dự kiến mục tiêu tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng lượng điện của Nhật Bản năm 2030 là 20%, so với mức gần 30% trước thảm họa Fukushima, trong nỗ lực cắt giảm khí thải nhà kính và giảm chi phí nhiên liệu.
Để tạo sự đồng thuận trong dư luận về vấn đề phát triển điện hạt nhân, Nhật Bản rất chú trọng công tác truyền thông. Công tác tuyên truyền có tính chất quyết định làm cho dân hiểu được giá trị của việc sử dụng năng lượng sạch, độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân, nhất là sau sự cố Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.
Diễn đàn công nghiệp nguyên tử Nhật Bản (JAIF) được thành lập vào 1/3/1956 là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập dưới sự bảo trợ của ngành công nghiệp hạt nhân để thúc đẩy sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân vì lợi ích của công dân Nhật Bản. JAIF hoạt động tích cực trong nghiên cứu, biên dịch và phân phối thông tin về phát triển hạt nhân.
JAIF xuất bản định kỳ ấn phẩm “Atoms in Japan”(Nguyên tử ở Nhật Bản)bằng tiếng Anh cung cấp tin tức hạt nhân quan trọng từ ngành công nghiệp hạt nhân và từ Chính phủ. JAIF cũng xuất bản ấn phẩm “World Nuclear Power Plants”(Nhà máy điện hạt nhân thế giới)và tiến hành khảo sát cập nhật số liệu hàng năm. Ngoài ra, JAIF xuất bản các ấn phẩm định kỳ bằng tiếng Nhật như Tạp chí công nghiệp nguyên tử; thông tin hạt nhân; báo cáo khảo sát hạt nhân; nhà máy điện hạt nhân trên thế giới; khảo sát tìm hiểu thực tế ngành công nghiệp hạt nhân Nhật Bản; bản tin hàng tuần hạt nhân Nhật Bản…
JAIF luôn tiến hành các hoạt động trên nhiều khía cạnh liên quan để tạo nhận thức, đồng thuận và ủng hộ đối với một chương trình phát triển điện hạt nhân lành mạnh như: Đề xuất và kiến nghị với Chính phủ và Thượng viện về chính sách hạt nhân; Thúc đẩy hợp tác quốc tế; Khảo sát thực tế về hạt nhân ở Nhật Bản và nước ngoài; Cung cấp dịch vụ thông tin, đào tạo chuyên gia hạt nhân, phổ biến kiến thức liên quan đến năng lượng hạt nhân.
Trong khi đó, tại các công ty điện lực Nhật Bản luôn có các văn phòng quan hệ công chúng, các gian triển lãm ở các nhà máy Điện hạt nhân kết hợp giữa thông tin truyền thông về điện hạt nhân với các hoạt động vui chơi giải trí. Các công ty điện lực cũng tổ chức cho chính quyền và nhân dân địa phương tham quan nhà máy điện hạt nhân; tổ chức các cuộc gặp gỡ đối thoại trực tiếp với người dân địa phương; Tổ chức hệ thống quan trắc độc lập của địa phương về môi trường phóng xạ xung quanh nhà máy. Bên cạnh đó, các công ty đều có trang web riêng thông báo thường xuyên các thông tin hoạt động của nhà máy, theo nguyên tắc công khai và minh bạch.
Trước khi xảy ra sự cố Fukushima, Công ty điện lực Tokyo (Tepco) thành lập 17 cơ sở thông tin tuyên truyền và quan hệ công hệ công chúng tại khu vực Tokyo và 8 tỉnh, trong đó có một số cơ sở được gọi là AMUSEUM. Tại đây, khách tham quan có điều kiện tìm hiểu các kiến thức về điện và Điện hạt nhân dưới nhiều hình thức phong phú và kết hợp với vui chơi giải trí. Công tác thông tin, tuyên truyền điện hạt nhân được coi là một trong các hoạt động bắt buộc, nâng lên thành yêu cầu về đạo đức và quy định của công ty.