Nhạt nhòa tương lai thỏa thuận Mỹ - Trung Quốc
Sau khi lùi ngày ký kết thỏa thuận, Mỹ và Trung Quốc giằng co để đạt được những ưu thế trong thỏa thuận này.
Trung Quốc đang kiên quyết yêu cầu Mỹ xóa bỏ thuế quan khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tạm thời vẫn đang tiếp diễn. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết, mức độ bãi bỏ thuế quan sẽ phản ánh đầy đủ tầm quan trọng của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong việc giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của hai bên một cách đúng đắn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; đồng thời tạo điều kiện cho việc ký kết thỏa thuận giai đoạn một", ông Phong nhấn mạnh.
Trong khi đó, ngày 12/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Washington sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận.
Có thể thấy, chính quyền Mỹ và Trung Quốc đang đối mặt với nhau về nhiều vấn đề gai góc để đạt được một thỏa thuận. Cả hai bên vẫn đang đấu tranh để tránh nhượng bộ quá nhiều.
Khi Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai nước đã đồng ý xóa bỏ thuế quan theo từng giai đoạn thì Tổng thống Trump đã ngay lập tức từ chối điều này và nói rằng, việc áp thuế bổ sung 15% đối với các hàng hóa Trung Quốc trị giá 156 tỷ USD vào ngày 15/12 vẫn chưa được xóa bỏ.
Bên cạnh đó, việc Washingon đang cố gắng điều chỉnh thêm các điều khoản bảo vệ sở hữu trí tuệ và ngăn chặn chuyển giao công nghệ bắt buộc, đã làm Trung Quốc do dự trong việc cam kết mua một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cụ thể trong văn bản của thỏa thuận.
Thậm chí, hai bên vẫn bế tắc với các vấn đề nhỏ bao gồm cả nơi tổ chức lễ ký kết. Tổng thống Trump đang mong muốn thỏa thuận sẽ được ký kết tại Iowa, một tiểu bang quan trọng với ông, thì ngược lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại không mong muốn điều này.
Theo giới chuyên gia, đang có rất ít tiến bộ đạt được giữa hai nước, phần lớn là do Trung Quốc không ở trong tình trạng tuyệt vọng như trước kia, khi lượng nông sản Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ là thịt lợn để bù đắp tình trạng thiếu hụt tại quốc gia này. Do đó, Trung Quốc có thể thực hiện những động thái mà họ không sẵn sàng thực hiện trước đó, đây sẽ là một lợi ích thực sự trên bàn đàm phán.
Ngay từ đầu, những cam kết từ phía Trung Quốc đã cho thấy sự lỏng lẻo giống như những lời hứa tương đương trước đó. Trong nhiều lần đàm phán, Trung Quốc đã chấp nhận cách tiếp cận mua nhiều hàng hóa khi nói đến việc xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ. Tuy nhiên, những lời hứa đó chưa bao giờ được cụ thể hóa thành các điều khoản trong văn bản.
Với những dấu hiệu mới về sự kháng cự của Trung Quốc hiện đang nổi lên, có khả năng thỏa thuận giai đoạn một có thể sẽ không trở thành hiện thực vào năm nay.
Bên cạnh đó, dù hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại, những bất ổn trong thương mại toàn cầu vẫn sẽ chưa được xóa bỏ khi sự không chắc chắn vẫn còn tồn tại trong giới đầu tư quốc tế.
Một nghiên cứu của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới được công bố vào ngày 5/11 cho thấy thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc đang gây tổn hại về kinh tế cho cả hai quốc gia, ngay cả khi họ chuyển hướng xuất khẩu sang lợi ích của một số quốc gia khác.
Kể từ năm 2008, đã có sự sụt giảm chậm trong thương mại và giảm mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra một cách mạnh mẽ hơn khi Mỹ tiến hành các biện pháp bảo hộ nền kinh tế khiến các quy tắc và quy định kinh doanh toàn cầu đã bị thay đổi và trở nên chặt chẽ hơn.
Có thể thấy, chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tăng trưởng toàn cầu. Không thể phủ nhận, giờ đây Mỹ và Trung Quốc đang trở thành những người chơi lớn nhất trên thế giới.
Do đó, kể cả khi đạt được một thỏa thuận, vẫn còn nhiều việc hai quốc gia cần phải làm để vực dậy thương mại quốc tế, để tránh những tác động ngày một tiêu cực lên chính nền kinh tế của hai cường quốc này.