Nhiều câu hỏi dồn dập về "hậu trường" quỹ lương
(Tài chính) Trước tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, gây thất thoát vốn, Thanh tra Chính phủ mới đây đã soạn thảo Nghị định về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu.
Hàng nghìn lý do dẫn đến thua lỗ
Các hoạt động giám sát và kiểm tra cũng được bổ trợ thêm để cảnh báo trước các nguy cơ có thể xảy ra. Nội dung sẽ xoay quanh việc chấp hành pháp luật về quản lý vốn, chế độ tài chính, tổ chức và hoạt động của DN; việc tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu về thực hiện kế hoạch kinh doanh và đầu tư, các quyết định liên quan đến lợi nhuận, quỹ, vốn, tài sản...
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, chủ sở hữu DN phải gửi báo cáo kết quả giám sát tới Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Một chuyên gia về lương phân tích: theo công bố hồi đầu năm 2012 của Bộ Công Thương về mức thu nhập bình quân trong 17 tổng công ty, tập đoàn nhà nước năm 2011 cho thấy lương bình quân của các tập đoàn rất cao: PVN là 16,2 triệu đồng, EVN: 8,6 triệu đồng, Vinacomin: 7,7 triệu đồng... Theo quy định, chỉ cho phép DNNN được tăng lương năm sau cao hơn năm trước nếu doanh thu, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, tại EVN, công bố của cơ quan Kiểm toán Nhà nước cho thấy năm 2010 lỗ hơn 8.400 tỷ đồng nhưng mức lương bình quân năm 2011 vẫn cao hơn năm 2010 là 300.000 đồng/người theo công bố của Bộ Công Thương.
Vẫn theo chuyên gia này, tại thời điểm mức lương trung bình của EVN vô tình được công bố, nhiều câu hỏi dồn dập được đặt ra với Bộ lao động - Thương binh & Xã hội về "hậu trường" của chuyện xét duyệt quỹ lương. Theo quy định, hàng năm, mức lương kế hoạch tại các tập đoàn được xây dựng và được Bộ lao động - Thương binh & Xã hội phê duyệt, sau đó mới thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, việc kiểm soát lỗ lãi tại các tập đoàn này lại do Bộ Tài chính thực hiện.
Lương bình quân năm 2011 của EVN: 8,6 triệu đồng |
"Bộ lao động - Thương binh & Xã hội duyệt quỹ lương nhưng thực chất, Bộ này không nắm được lỗ lãi thực sự tại các tập đoàn, nên duyệt chỉ để duyệt mà thôi", chuyên gia này nói.
Một luật gia đặt vấn đề: tiền lương là khoản phải được chi hàng tháng, song khi kết thúc năm tài chính, DN bị thua lỗ hoặc các chỉ tiêu quan trọng (lợi nhuận sau thuế, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu...) không đạt như kế hoạch thì có thể thu hồi số tiền lương cao chót vót đã chi hay không? Câu trả lời chắc chắn là không, vì sẽ có hàng nghìn lý do khách quan dẫn đến thua lỗ hoặc không hoàn thành kế hoạch được đưa ra.
Không thể chi lương, thưởng cứng nhắc
Khi một số lãnh đạo của Công ty Thoát nước đô thị và Công ty Chiếu sáng công cộng ở TP. Hồ Chí Minh bị buộc thôi việc hoặc bị cách chức do tự đặt ra cơ chế tạo thu nhập cao bất thường cho cá nhân (200 triệu đồng/tháng), trong khi lẩn tránh thực hiện quyền lợi hợp pháp của những người lao động, họ mới có thời gian đọc báo và biết được có người tham gia giao thông bị rơi cả người và xe xuống hố thoát nước vì trời tối không có đèn. Chỉ 1 ngày trước đó, hàng loạt người dân được mô tả là ngã sõng soài trong "biển nước" khi trong thành phố có một trận mưa không lớn.
Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Minh Huân, cho rằng lẽ ra lương của lãnh đạo các DN trên vào khoảng 30 triệu đồng/tháng, không thể có mức lương cao gấp 7 lần. Thật ra, để hiểu được cơ chế thu nhập (bao gồm lương) trong các DNNN là chuyện vô cùng phức tạp. Ngay trong việc ban hành hệ thống văn bản pháp luật cũng vậy: từ năm 2001 - 2011, Bộ lao động - Thương binh & Xã hội đã ban hành tới 6 nghị định và 12 thông tư hướng dẫn về quản lý tiền lương và thu nhập cho thấy chính Nhà nước và kể cả các DNNN đã khó khăn như thế nào trong việc tính lương, thưởng, thu nhập.
TS. Nguyễn Đình Cung - quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng những quy định không hợp thời về chế độ lương hiện nay đang khiến có những lãnh đạo DN có mức lương khủng nhưng cũng lại có những DN đang mất dần cán bộ quản lý cấp trung vì lương thấp.
Theo vị luật gia kể trên, với mức lương tối đa không vượt quá 10 lần tiền lương bình quân của người lao động, các DN cũng sẽ khó lòng thu hút được người giỏi để cạnh tranh với các công ty thuộc thành phần khác mà không bị ràng buộc bởi quy định này: "Trong kinh tế thị trường, Nhà nước có cần thiết phải can thiệp vào những vấn đề rất cụ thể như tiền lương, tiền thưởng của DN hay không? Không thể chi tiền lương, tiền thưởng theo những quy định cứng nhắc rồi lại chạy theo để xử lý hậu quả".