Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2019
Quy định mức khoán kinh phí sử dụng xe công; Quy định về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2019.
Quy định về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh
Thông tư số 23/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định cụ thể về các mức phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh; Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ, lệ phí cấp giấy phép quản lý pháo…
Theo đó, Thông tư quy định phí thẩm định điều kiện thuộc lĩnh vực an ninh: 300.000 đồng/lần; Phí sát hạch cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ: 20.000 đồng/lần; Lệ phí cấp giấy phép quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy; Giấy phép sử dụng vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ: 10.000 đồng/giấy; Giấy phép mang các loại đạn vào, ra khỏi lãnh thổ Việt Nam: 50.000 đồng - 150.000 đồng/giấy, tùy số lượng viên đạn…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5/6/2019.
Quy định mức khoán kinh phí sử dụng xe công
Để hướng dẫn Nghị định số 04/2019/NĐ-CP về định mức sử dụng ô tô trong các cơ quan Nhà nước, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 24/2019/TT-BTC.
Theo Thông tư, mức khoán kinh phí sử dụng xe đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định theo hình thức khoán theo km thực tế và khoán gọn.
Trong đó, khoán theo km thực tế được tính bằng số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại x số ngày làm việc thực tế trong tháng x đơn giá khoán; Khoán gọn được tính bằng số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại x số ngày đưa đón bình quân hàng tháng x đơn giá khoán.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 6/6/2019.
Quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Ngày 19/04/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.
Theo đó, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng được phép nhập khẩu khi tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Ngoài hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan, doanh nghiệp phải bổ sung tài liệu sau đây:
Một là, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp. Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu.
Hai là, bản chính Giấy xác nhận của nhà sản xuất máy móc, thiết bị về năm sản xuất và tiêu chí của máy móc, thiết bị đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 6 Quyết định này trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc.
Ba là, Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 11 Quyết định này trong trường hợp máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia thuộc các nước G7, Hàn Quốc nhưng không có Giấy xác nhận của nhà sản xuất hoặc máy móc, thiết bị được sản xuất tại quốc gia không thuộc các nước G7, Hàn Quốc.
Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/06/2019.
Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp
Đây là nội dung được Chính phủ quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp, ban hành ngày 25/04/2019.
Theo đó, cá nhân có hành vi vận chuyển lâm sản trái phép (từ thời điểm lâm sản đã xếp lên phương tiện vận chuyển) không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó, thì bị xử phạt như sau:
Vận chuyển động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thông thường trị giá dưới 15 triệu; Gỗ thuộc loài thông thường dưới 02 m3; Thực vật rừng ngoài gỗ trị giá dưới 15 triệu đồng;… thì bị phạt tiền từ 05 – 15 triệu đồng.
Đặc biệt, phạt tiền từ 475 – 500 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển trái phép sản phẩm chế biến từ gỗ không có hồ sơ lâm sản hợp pháp trị giá từ 475 triệu đồng trở lên.
Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính ở Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp với cá nhân là 500 triệu đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp với tổ chức là 01 tỷ đồng.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/06/2019.
Xóa bỏ chế độ phụ cấp cán bộ theo loại xã
Ngày 24/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo Nghị định, từ ngày 25/6/2019 chính thức xóa bỏ chế độ phụ cấp cán bộ theo loại xã.
Theo đó, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ Ngân sách Nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng.
Nghị định này cũng quy định mới về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Cụ thể, Ngân sách Nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố.
Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 25/06/2019.