Nhiều cửa ải vào thị trường mới
(Tài chính) Nhiều doanh nghiệp (DN) đang tính cách đưa hàng hóa vào các thị trường xuất khẩu (XK) mới để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ. Tuy nhiên, không chỉ gặp khó trong tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, DN còn phải đối mặt với muôn rào cản...
Muôn vàn khó
Chưa bao giờ nhu cầu tiêu thụ thép trong nước lại xuống mức thấp như thời gian qua, điều này đã khiến lãnh đạo Công ty cổ phần thép Tây Đô (Công ty thép Tây Đô) phải lên kế hoạch tìm kiếm các thị trường XK để giảm áp lực hàng tồn kho. Theo đó, cùng với lượng hàng đang bắt đầu XK vào các thị trường Lào, Campuchia, thép Tây Đô nhắm đến Myanmar như một thị trường đầy tiềm năng.
Ông Huỳnh Quang Trung, Tổng Giám đốc Công ty thép Tây Đô cho biết, DN đã tổ chức đoàn khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại vào cuối năm 2013 sang Myanmar để tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Với những cải cách mạnh mẽ và nhu cầu đầu tư xây dựng tăng cao, thị trường này được đánh giá là có nhiều tiềm năng tiêu thụ cho các sản phẩm thép. Tuy nhiên, để thép Việt chen chân vào Myanmar lại không phải chuyện đơn giản khi thị trường này đang được thống lĩnh bởi thép Trung Quốc có giá rất cạnh tranh.
“Các sản phẩm thép của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được về chất lượng, song về giá thì không thể “đấu” lại được với thép Trung Quốc. Các sản phẩm thép của Trung Quốc hiện gần như đang thống trị thị trường Myanmar, lại có giá rẻ nên hàng Việt Nam rất khó chen chân vào thị trường. Giá thép của Việt Nam luôn cao hơn so với nước này từ 5-10% nên rất khó để cạnh tranh”, ông Trung nói.
Đã có sản phẩm bột giặt Vì Dân XK chạm chân được sang Cuba (đạt trị giá lên đến 40 triệu USD trong năm 2013) ông Nguyễn Văn Viện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tập đoàn VLC tiếp tục tìm cách đưa thêm sản phẩm sơn xuất sang thị trường này. Được biết, với các chủng loại sơn tường, sơn công nghiệp và sơn tàu biển…, VLC đã XK sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á…
Tuy nhiên, để một sản phẩm mới vào thị trường Mỹ La tinh như Cuba, là điều không dễ do vị trí địa lý xa và cách thức kinh doanh lại khá đặc thù. “Chỉ cần xuất hàng sang đây là có lãi, nhưng để làm ăn được lại cực kỳ vất vả do điều kiện đi lại. Các đối tác nước này lại thường nợ kéo dài 1 năm mới thanh toán nên rất khó khăn trong việc quay vòng vốn. Do đó, để bán hàng được vào thị trường này phải có Chính phủ bảo lãnh mới có thể hợp tác” - ông Viện chia sẻ.
Cần chiến lược dài hơi
Ông Trần Đình Văn, Tham tán thương mại Việt Nam tại Chi-lê và cũng là người có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc với các đối tác tại Mỹ La tinh cho biết, Cuba là thị trường có nhu cầu tiêu dùng và sức mua rất lớn, nhưng do đây là thị trường mới, lại xa nên hoạt động xúc tiến thương mại gặp không ít khó khăn và chi phí lớn.
Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều chương trình xúc tiến đến các thị trường này bị cắt giảm nên các DN phải tự thân vận động là chính. Do đó, ông Văn cho rằng việc tổ chức các hoạt động xúc tiến tại các thị trường Mỹ La tinh cần phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thương mại Việt Nam tại các thị trường này để đạt hiệu quả.
Không chỉ là thị trường tiềm năng mà yêu cầu tiêu dùng tại các nước Mỹ La tinh cũng chưa đòi hỏi chất lượng cao như các nước châu Âu, Nhật Bản, nên sẽ giúp cho hàng hoá của Việt Nam thâm nhập dễ dàng hơn. Tuy nhiên, để hàng hoá bén rễ sâu vào thị trường lại không phải điều đơn giản, bởi ban đầu các nhà nhập khẩu (NK) thường mua hàng với số lượng nhỏ và chỉ tăng dần khi có lượng tiêu thụ ổn định.
Các DN thường phải kiên trì và chủ động phối hợp với đối tác trong khâu quảng bá, do đó nếu thấy hiệu quả chậm, DN thường nản lòng và sớm “buông” thị trường khi không thấy có hiệu quả.
Cũng tương tự thị trường Cuba, mặc dù đây được xem là điểm đến mới cho các DN XK của Việt Nam, song theo ông Vũ Cường, Tham tán thương mại tại Myanmar, nhiều DN chỉ liên hệ với cơ quan thương vụ để xin thông tin các nhà NK của nước này và gửi nội dung quảng bá sản phẩm qua email hoặc điện thoại.
Trong khi cách thức làm ăn của người Myanmar lại rất coi trọng gặp gỡ, trao đổi trực tiếp, nên hầu hết các thông tin mà DN gửi sang đều không nhận được trả lời. Chưa kể, đây dù là thị trường mới, song mức độ cạnh tranh cũng khá gay gắt do hàng nhập ngoại, đặc biệt là hàng Trung Quốc có giá rẻ đang có ưu thế lớn.
Do đó, ông Cường cho rằng nếu DN xác định Myanmar là thị trường tiềm năng và muốn thâm nhập, cần phải có sự đầu tư và đưa hàng một cách bài bản. “Với những thị trường mới, không thể chỉ ký được một hai công hàng đã thấy thoả mãn, hay cũng đừng vội nản lòng nếu hàng chưa thẩm thấu vào thị trường.
Cần phải nhìn đây là thị trường dài hơi, thường xuyên bám sát, cung cấp hàng với số lượng, chất lượng ổn định, thời gian giao hàng đúng hạn. Thậm chí, phải cùng nhà NK, phân phối thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm thì mới tăng khả năng cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường”, ông Cường khuyến cáo.