Nhiều doanh nghiệp “bốc hơi” lợi nhuận sau soát xét

Theo Đình Đại/diendandoanhnghiep.vn

Báo cáo tài chính (BCTC) bán niên 2021 sau soát xét của nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận lợi nhuận “bốc hơi” nhiều tỷ đồng so với báo cáo tự lập; bên cạnh đó, có doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

HAG giảm 50% lợi nhuận

Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét với lợi nhuận sau thuế là 8,3 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến ngày 30/6/2021 là 7.372 tỷ đồng. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của HAG đạt 832 tỷ đồng, giảm gần 44% so với doanh thu đạt được của 6 tháng đầu năm năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 8,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2020 doanh nghiệp lỗ 1.396 tỷ đồng.

Mặc dù có lãi trong nửa đầu năm 2021 nhưng HAG vẫn còn gánh nặng lỗ lũy kế 7.371 tỷ đồng. Doanh nghiệp có khoản thặng dư vốn cổ phần là 3.263 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 tự lập trước đó, HAG công bố doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 822 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 18 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận hợp nhất sau soát xét của HAG giảm hơn 50%.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong kỳ, HAG bán hơn 28 triệu cổ phần HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, giảm tỷ lệ sở hữu từ 40,29% xuống còn 37,75%. Doanh thu tài chính tăng thêm 186 tỷ đồng nhờ khoản lãi từ giao dịch này.

HAG cũng mua thêm 4,45% phần vốn góp trong Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai với chi phí là 124 tỷ đồng, gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 78,22% lên 82,67%. HAG cùng với Công ty Hưng Thắng Lợi và Bệnh viện Đại học Y dược – Hoàng Anh Gia Lai mua thêm 5,6 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai.

Báo cáo kiểm toán của Ernst & Young lưu ý về khoản lỗ lũy kế 7.371 tỷ đồng và tình trạng vi phạm các điều khoản trả nợ. Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng hoạt động tiếp theo nhờ dòng tiền dự kiến thu được từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ các dự án đang triển khai. Đồng thời làm việc với các bên cho vay để điều chỉnh các khoản đã vi phạm trong hợp đồng vay. Nhờ đó, HAG có thể trả nợ đến hạn và hoạt động tiếp tục.

Tuy nhiên, các yếu tố này vẫn là dự kiến và Ernst & Young nhấn mạnh việc tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAG.

FIR giảm 74% lợi nhuận

Cùng chung hoàn cảnh, sau soát xét, lợi nhuận ròng bán niên hợp nhất năm 2021 của Công ty CP Địa ốc First Real (HoSE: FIR) giảm 74% so với trước khi soát xét, xuống còn hơn 2 tỷ đồng. (Kỳ kế toán năm của FIR bắt đầu từ ngày 01/10 và kết thúc tại ngày 30/09 hàng năm năm sau).

Giải trình về lợi nhuận sau thuế hợp nhất bán niên sau soát xét giảm 6,86 tỷ đồng, tương đương giảm 74% so với trước soát xét, FIR cho biết nguyên nhân đến từ khoản lỗ tài chính do Công ty mất quyền kiểm soát Công ty con là Công ty CP Đầu tư Bất động sản Protech (Công ty con tăng vốn cho các cổ đông không kiểm soát dẫn tới thay đổi tỷ lệ sở hữu của các cổ đông).

Lợi nhuận ròng của FIR giảm đến 90%, còn hơn 2 tỷ đồng, chủ yếu là do doanh thu thuần giảm 33% và chi phí tài chính (gấp 12,51 lần) và chi phí bán hàng (gấp 2,81 lần) đều tăng mạnh.

Thực tế, khoản lỗ tài chính này trước soát xét FIR đã ghi nhận giảm vào khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm trước” do chưa có hướng dẫn ghi nhận cụ thể tới trường hợp này trong Thông tư 202/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn hợp nhất báo cáo tài chính.

Tuy nhiên sau soát xét , FIR điều chỉnh vào kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (không ảnh hưởng trên báo cáo tài chính riêng). Do đó thay đổi tới khoản mục “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” giảm 6,86 tỷ đồng, còn 2,46 tỷ đồng.

Lợi nhuận ITA giảm 21% sau soát xét

Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (HoSE: ITA) vừa công bố BCTC soát xét bán niên với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 74,6 tỷ đồng, giảm 21% so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân do chi phí quản lý tăng mạnh từ 28 tỷ lên 45 tỷ đồng và lợi nhuận khác giảm từ 11 tỷ xuống 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán lưu ý đến ngày 30/6, ITA ghi nhận 100% doanh thu toàn bộ thời gian cho thuê lại trên phần đất đã phát triển cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp Tân Tạo – khu mở rộng với tổng diện tích 926.047 m2 và khu công nghiệp Tân Đức trên tổng diện tích 1,68 triệu m2.

Doanh nghiệp có nghĩa vụ nộp tiền thuê đất Nhà nước 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê tương ứng với phần diện tích đã được cho thuê lại theo đơn giá trả tiền thuê đất 1 lần, số tiền này có thể khác với số tiền doanh nghiệp đã trích trước (21 tỷ đồng). Hiện chưa có văn bản hướng dẫn và ban lãnh đạo vẫn trong quá trình làm việc với cơ quan Nhà nước.

Ngoài ra, kiểm toán tiếp tục lưu ý khoản đầu tư vào Công ty Đầu tư và Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Công ty Năng lượng Tân Tạo 2 (TEC2) với tổng giá trị 2.170 tỷ đồng. Ban giám đốc đang trong quá trình chờ các phê duyệt cần thiết từ cơ quan nhà nước cho việc khởi động dự án Nhiệt điện Kiên Lương.

Nửa đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 322 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 74,6 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ.

Doanh thu tăng chủ yếu nhờ ghi nhận 194,7 tỷ đồng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng, lợi nhuận gộp 92,2 tỷ đồng theo phương thức ghi nhận 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê. Theo đơn vị kiểm toán, nếu phân bổ theo thời hạn thuê đất thì doanh thu chỉ 3 tỷ và lợi nhuận gần 1,4 tỷ đồng. Lợi nhuận tương đương cùng kỳ năm trước do chi phí quản lý tăng mạnh từ 14,4 tỷ đồng lên 45 tỷ đồng, riêng khoản dự phòng phải thu khó đòi 21 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước được hoàn nhập 7,5 tỷ đồng.

VC9 chuyển lãi thành lỗ 

Một doanh nghiệp trong ngành xây dựng, họ Vina là Công ty CP Xây dựng Số 9 – Vinaconex 9 (HNX: VC9)  cũng có lợi nhuận biến động mạnh sau soát xét. Cụ thể, tại BCTC soát xét nửa đầu năm 2021, VC9 cho biết lãi chuyển thành lỗ do việc ghi nhận giá vốn đối với các dự án xây lắp ghi nhận doanh thu theo chi phí thực tế, do đó giá vốn được ghi nhận theo chi phí thực tế phát sinh.

Tuy nhiên, theo ý kiến kiểm toán, giá vốn phải ghi nhận theo phương án phù hợp với doanh thu nên có sự chênh lệch. Do đó, Công ty đã điều chỉnh cho phù hợp theo hướng dẫn của chế độ kế toán hiện hành tại Việt Nam.

So với cùng kỳ năm trước, doanh thu thuần nửa đầu năm 2021 của VC9 ghi nhận hơn 99 tỷ đồng, giảm 79%. Theo giải trình, năm 2021, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng đến hầu hết lĩnh vực, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. VC9 là doanh nghiệp có doanh thu xây lắp chiếm tỷ trọng lớn trên tổng doanh thu dẫn đến doanh thu giảm so cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí tài chính giảm chủ yếu do giảm chi phí lãi vay, nguồn tiền thu về từ hoạt động kinh doanh được Công ty trả nợ các khoản vay ngân hàng. Chi phí quản lý cũng giảm do VC9 thực hiện tốt công tác quản lý thắt chặt chi tiêu. Ngược lại, lợi nhuận khác tăng gấp đôi nhờ thực hiện thanh lý công cụ, dụng cụ hết giá trị sử dụng trong kỳ.

Kết quả, nửa đầu năm 2021, VC9 lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 14 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 30/06/2021 lên gần 27 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở, Công ty Chứng khoán Mirae Asset, việc bị sụt giảm mạnh lợi nhuận sau kiểm toán cho thấy báo cáo tài chính tự lập của doanh nghiệp đó không có độ tin cậy cao. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp thường đợi báo cáo tài chính đã được kiểm toán, chứ không vội đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp theo báo cáo tài chính tự lập.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư mới (F0) lại không làm việc này, thường vội đón nhận kết quả là các con số trong báo cáo tài chính doanh nghiệp tự lập (không có độ tin cậy cao), mà không đi tìm nguyên nhân, dẫn đến bị ảnh hưởng đến kết quả đầu tư.

“Nhà đầu tư nên cẩn trọng với những doanh nghiệp có tiền sử chênh lệch lớn kết quả kinh doanh của báo cáo tài chính trước và sau kiểm toán, đặc biệt theo hướng điều chỉnh giảm mạnh. Sự bất nhất này cũng phản ánh năng lực quản trị của người điều hành doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Trên thực tế, tình trạng "lỗ sau kiểm toán" đã là điệp khúc quen thuộc đối với nhiều nhà đầu tư trên thị trường những năm gần đây. Quý I/2021, ngoài VC9, những ông lớn như Coteccons, GVR, PVC, CII cũng đã đánh rơi hàng tỷ đồng lợi nhuận sau soát xé so với lợi nhuận doanh nghiệp ước công bố. Nhìn nhận một cách khách quan, giới kế toán kiểm toán cho rằng việc sai lệch này đôi khi cũng có thể do vô tình sai sót, nhưng cũng có thể do cố tình gian lận số liệu trên báo cáo tự lập.