Phát huy vai trò của các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận


Dịch vụ xã hội là những dịch vụ đáp ứng các nhu cầu cộng đồng và cá nhân nhằm phát triển xã hội, có vai trò đảm bảo phúc lợi và công bằng xã hội, đề cao giá trị đạo lý, nhân văn, vì con người, là hoạt động mang bản chất kinh tế - xã hội.

Việc mở rộng sự tham gia của các lực lượng xã hội khác cùng Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ xã hội sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Việc mở rộng sự tham gia của các lực lượng xã hội khác cùng Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ xã hội sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Khi nói đến hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội, thường nhắc đến vai trò của nhà nước mà đại diện cung cấp là các chủ thể thuộc khu vực công. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều đến vấn đề các tổ chức không vì lợi nhuận bởi chúng có vai trò quan trọng trong việc cung ứng các dịch vụ xã hội.

Khái quát về các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận

Hiện nay, trên thế giới, có nhiều thuật ngữ dùng để chỉ "các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận" như: “các tổ chức tự nguyện”, “các tổ chức không vì lợi nhuận”, “các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ”.

Về cơ bản, các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận là hệ thống các tổ chức xã hội của công dân được gắn kết với nhau bởi các nhu cầu, lợi ích, giá trị chung để thực hiện những hoạt động khác nhau nhằm phối hợp hoạt động cùng với nhà nước, bổ sung những khiếm khuyết cho nhà nước, đảm bảo sự phát triển cân bằng và bền vững của xã hội.

Dịch vụ xã hội tùy theo tính chất thuần công, không thuần công hay tư của từng loại hình dịch vụ, bao gồm các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao và các hoạt động trợ giúp xã hội khác.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận có một số đặc điểm chính như sau: Hoạt động độc lập hoặc độc lập tương đối với chính quyền; Có mục đích hoạt động chính là đạt được các mục tiêu xã hội (như cải thiện phúc lợi công, môi trường hoặc sự thịnh vượng về kinh tế hơn là phân chia lợi nhuận; Được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện; Có tính tự quản, tự chủ tương đối về tài chính; Tuân thủ theo pháp luật và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của mình; Tái đầu tư các giá trị thặng dư phát sinh trong quá trình theo đuổi mục tiêu.

Sự tham gia của các tổ chức không vì lợi nhuận trong hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội

Những thập kỷ qua đã chứng kiến việc Nhà nước trực tiếp tiến hành nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội. Các hoạt động cung ứng này có thể chuyển giao ở mức độ nhất định cho khu vực tư nhân và các tổ chức không vì lợi nhuận đảm nhiệm.

Việc mở rộng sự tham gia của các lực lượng xã hội khác cùng Nhà nước thực hiện cung ứng dịch vụ xã hội sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, phá vỡ sự bất bình đẳng, phi thị trường do độc quyền gây ra trong lĩnh vực này, giúp huy động được các nguồn lực xã hội và phát huy vai trò của các đối tác xã hội trong quản lý xã hội.

Ở các nước phát triển và đang phát triển, nhiều tổ chức xã hội hoạt động song song với những cơ quan cung ứng dịch vụ xã hội của Nhà nước. Ở Vương quốc Anh, trong chương trình cải cách hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội, Chính phủ đã dành sự quan tâm lớn đến các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận qua các quan hệ hợp đồng cung ứng dịch vụ xã hội của Nhà nước dành cho các tổ chức này. Trên thực tế, các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận ở Vương quốc Anh đã thể hiện được ưu điểm của mình, thậm chí vượt khu vực công và khu vực tư nhân trên một số lĩnh vực cung ứng dịch vụ xã hội.

Nhiều quốc gia ngày càng tin tưởng vào các tổ chức không vì lợi nhuận để cung ứng dịch vụ xã hội như: Dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, dịch vụ an sinh xã hội... Ở Italia, số lượng các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận đang tăng lên nhanh khoảng 283% trong hơn 10 năm qua. Theo các số liệu thống kê mới đây, ở Italia có hơn 343.000 tổ chức không vì lợi nhuận sử dụng hơn 800.000 nhân viên và 5 triệu tình nguyện viên, trong đó hơn 800.000 người được trả lương.

Từ những năm 1980, các tổ chức không vì lợi nhuận ở Italia dần khẳng định vai trò của mình trong lĩnh vực y tế, giáo dục và hệ thống các dịch vụ xã hội (8,7% tổng số dịch vụ); trong lĩnh vực thể dục thể thao và văn hóa cung cấp lượng dịch vụ áp đảo (63,4% tổng số dịch vụ). Tuy nhiên, khu vực tư nhân vẫn chiếm thị phần lớn nhất với 80% dịch vụ được cung cấp.

Hiện nay, ở Australia có khoảng 700.000 tổ chức phi lợi nhuận với khoảng hơn 5,5 triệu tình nguyện viên (Ủy ban Năng suất, Đóng góp của Khu vực Phi lợi nhuận (2018). Tuy chưa có đánh giá chính thức về vai trò trong cung ứng các loại hình dịch vụ xã hội, nhưng những tổ chức này đã và đang tham gia vào nhiều lĩnh vực như: Các dịch vụ phúc lợi và cộng đồng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục, bảo vệ môi trường, thể thao, nghệ thuật, tôn giáo, cứu trợ quốc tế... Trên thực tế, các tổ chức phi lợi nhuận ở Australia nhận được những hỗ trợ tài chính chủ yếu từ Nhà nước. Chính phủ Australia đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao năng lực của các tổ chức phi lợi nhuận trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ xã hội thông qua hỗ trợ về tài chính, chuyên gia, kiến thức và nguồn lực.

Cải cách dịch vụ xã hội ở Nhật Bản diễn ra khá muộn so với các nước khác trên thế giới. Sự thay đổi chỉ thực sự bắt đầu từ sau Chương trình cải cách của Thủ tướng Hashimoto (giai đoạn 1996-1998) và Thủ tướng Koizumi (giai đoạn 2001-2006). Tháng 5/2006, Luật Cải cách dịch vụ xã hội đã chính thức được ban hành, trong đó nhìn nhận các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận là một khu vực đầy tiềm năng trong hoạt động cung ứng các dịch vụ công ích cho xã hội.

Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản NPO năm 2018, Nhật Bản có 386.207 tổ chức phi lợi nhuận hoạt động cung cấp các dịch vụ xã hội. Cũng theo NPO, trung bình một tổ chức phi lợi nhuận ở Nhật Bản có khoảng mười tình nguyện viên hàng năm tham gia vào các hoạt động của họ. Mặt khác, khoảng 21,1% tổ chức không có bất kỳ tình nguyện viên nào trong các hoạt động của họ. Các tổ chức phi lợi nhuận ở Nhật Bản được giám sát bởi các bộ tương ứng trong việc cung cấp các dịch vụ công.

Ở Việt Nam, trước đây các loại hình dịch vụ xã hội đều do cơ quan nhà nước cung cấp. Tuy nhiên, kể từ khi đổi mới đến nay, Nhà nước đã và đang thực hiện chuyển giao một số loại dịch vụ xã hội cho các khu vực ngoài nhà nước cung ứng và phân phối. Chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa... là một sự chuyển biến rõ ràng về nhận thức và hành động. Đẩy mạnh đổi mới tổ chức, cơ chế hoạt động của các đơn vị cung ứng dịch vụ xã hội phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các đơn vị này có quyền chủ động và được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tham gia thị trường, cung cấp ngày càng nhiều và tốt hơn dịch vụ xã hội cho người dân, nhất là dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ.

Ở Việt Nam, trước đây các loại hình dịch vụ xã hội đều do cơ quan nhà nước cung cấp. Tuy nhiên, kể từ sau đổi mới, Nhà nước đã và đang thực hiện chuyển giao một số loại dịch vụ xã hội cho các khu vực ngoài nhà nước cung ứng và phân phối. Chủ trương xã hội hóa một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa... là một sự chuyển biến rõ ràng về nhận thức và hành động của Đảng và Nhà nước ta.

Các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận ở Việt Nam trong những năm qua phát triển rất mạnh và đa dạng, bao gồm các tổ chức, đoàn thể quần chúng chính thức (còn gọi là các tổ chức chính trị - xã hội với khoảng 31 triệu thành viên, bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân); các hiệp hội (với khoảng 320 hiệp hội hoạt động ở cấp quốc gia và 2.150 hiệp hội ở các tỉnh); các tổ chức phi chính phủ (với hơn 900 tổ chức phi chính phủ quốc tế và hơn 500 tổ chức phi chính phủ trong nước); các cơ sở hoặc tổ chức dựa trên cơ sở cộng đồng. Những tổ chức này hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như: Y tế, giáo dục, giải trí, dịch vụ xã hội, xoá đói giảm nghèo, nâng cao năng lực cộng đồng, bảo vệ môi trường, trợ giúp pháp lý...

Phát huy vai trò của các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận

Vai trò của các tổ chức tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận đang ngày càng được quan tâm bởi một số lý do sau:

Thứ nhất, các tổ chức không vì lợi nhuận luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm trong hoạt động cung ứng dịch vụ xã hội. Thế mạnh của các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận là sự tập trung mạnh mẽ vào những nhu cầu của người dân, đây chính là bản chất và là mục tiêu của các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận.

Thứ hai, khả năng tạo dựng lòng tin đối với người dân, đó chính là cầu nối giữa nhà nước và người dân trong cung ứng dịch vụ xã hội. Với mục tiêu phi lợi nhuận và hướng tới cung cấp các dịch vụ xã hội trên cơ sở vì lợi ích cộng đồng, các tổ chức không vì lợi nhuận dễ dàng có được tình cảm và sự tin tưởng của người dân. Người dân được trợ giúp và cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc mức phí thấp và tiếp cận các dịch vụ một cách thuận lợi.

Thứ ba, kiến thức và sự am tường chuyên môn của các tổ chức không vì lợi nhuận đáp ứng những nhu cầu cá nhân phức tạp và giải quyết các vấn đề xã hội khó khăn. Các tổ chức như các hội nghề nghiệp, hội khoa học là nơi tập trung đông đảo đội ngũ chuyên gia đầu ngành, những nhà khoa học lâu năm có trình độ, kinh nghiêm thực tiễn. Các tổ chức này góp phần tích cực trong việc phát huy sức mạnh của cá nhân, của cả cộng đồng xã hội để tăng thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu của người dân về các dịch vụ xã hội. Ví dụ, ở Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật là tổ chức chính trị - xã hội tự nguyện của giới trí thức Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Các tổ chức không vì lợi nhuận là một khu vực nhiều tiềm năng trong cung ứng dịch vụ xã hội, đặc biệt là các dịch vụ công ích, phi lợi nhuận, dịch vụ sự nghiệp công. Tuy nhiên, đến nay, tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác và tận dụng một cách hợp lý, dẫn tới lãng phí các nguồn lực trong xã hội, hạn chế quyền và nhu cầu thụ hưởng, tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân. Bên cạnh việc cung ứng dịch vụ xã hội của nhà nước, cần có sự trợ giúp của các tổ chức không vì lợi nhuận và khu vực tư. Vai trò của các tổ chức cung ứng dịch vụ xã hội không vì lợi nhuận là không thể phủ nhận. Do đó, Nhà nước nên có những hỗ trợ, đặc biệt về mặt pháp lý và chính sách để phát huy sức mạnh và tăng cường hiệu quả của các tổ chức này trong cung ứng các dịch vụ xã hội cho nhân dân như sau:

- Không nên có sự phân biệt giữa tổ chức công và các tổ chức không vì lợi nhuận khi cùng cung ứng một loại dịch vụ xã hội, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế; Cần đối xử bình đẳng bằng cách tạo lập môi trường pháp lý minh bạch, đồng bộ và nhất quán cho tất cả các tổ chức tham gia cung ứng dịch vụ xã hội; Nên tách các đơn vị sự nghiệp công ra khỏi hành chính, các đơn vị này sau khi tách ra phải hoạt động theo quy định của pháp luật, với các cơ chế chính sách, những tiêu chuẩn định mức, dịch vụ do Nhà nước ban hành.

- Hoàn thiện cơ chế tài chính đối với các tổ chức không vì lợi nhuận lợi nhuận cung ứng dịch vụ xã hội, đảm bảo hoạt động của các đơn vị này công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhà hảo tâm trong xã hội, đáp ứng được mục tiêu của các tổ chức này khi thành lập là hoạt động vì cộng đồng, xã hội, không vì lợi nhuận. Hoạt động của tất cả các tổ chức nào nếu đã đăng ký là phi lợi nhuận thì phải được công khai, kiểm toán định kỳ. Chênh lệch thu chi phải được dùng để đầu tư phát triển cơ sở và các hoạt động của tổ chức.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, XI;

2. Báo cáo Phát triển Việt Nam 2016: Các thể chế hiện đại - Báo cáo chung của các nhà tài trợ Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, Hà Nội, tháng 12/2016;

3. The National Consumer Council-by Alison Hopkins Delivering public service, 2007;

4. Alessandro Messina, Growing pains: The Italian Third Sector, 2018.

(*) ThS. Lê Thu Hằng - Ban Dân vận Quận uỷ Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội; Nguyễn Danh Nam – Trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.