Nhiều dư địa cho tăng trưởng
Với diễn biến tỷ giá ổn định, lạm phát còn khá xa so với mức mục tiêu 4% trong năm nay đã giúp cho lãi suất thực vẫn khá hấp dẫn, trong báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello nhận định, việc huy động nguồn vốn từ người dân vẫn còn nhiều dư địa để tạo động lực tăng trưởng cuối năm.
Lạm phát sẽ dừng ở mức 2,3%
Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 8/2017 của MarketIntello nhận định, lạm phát có xu hướng tăng trở lại trong quý III do áp lực tăng giá của các loại hàng hóa công như y tế, giáo dục và điện; giá thực phẩm tươi sống cũng sẽ dần phục hồi trở lại sau khi bị giảm sâu trong quý II. Dù vậy, lạm phát sẽ hạ thấp trở lại và dừng ở mức 2,3% vào cuối năm 2017.
Lạm phát giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm lãi suất chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng. Đây là nhân tố giúp lãi suất thị trường giảm.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng tín dụng cao hơn đáng kể so với tăng trưởng huy động trong thời gian gần đây lại là nhân tố thúc đẩy tăng lãi suất. Nhóm tác giả của Báo cáo cho rằng, hai lực đẩy trái chiều này khiến cho lãi suất giảm nhẹ trong những tháng cuối năm.
Tiền đồng cũng được MarketIntello dự báo rằng sẽ chỉ mất giá nhẹ trước áp lực gia tăng nhập khẩu ở khu vực kinh tế trong nước trong những tháng cuối năm.
“Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không vội vàng nâng mức lãi suất chính sách do giảm kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế Mỹ, đồng nghĩa với đồng USD tiếp tục duy trì ở trạng thái yếu như hiện nay so với các đồng tiền khác. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, NHNN đã có động thái nâng tỷ giá trung tâm một cách chủ động nhằm ứng phó trước các kịch bản của Fed”, báo cáo phân tích.
Nhiều dư địa cho tăng trưởng
Với diễn biến tỷ giá ổn định, lạm phát còn khá xa so với mức mục tiêu 4% trong năm nay đã giúp cho lãi suất thực vẫn khá hấp dẫn, nhóm chuyên gia của Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello cho rằng, việc huy động nguồn vốn từ người dân vẫn còn nhiều dư địa để tạo động lực tăng trưởng cuối năm.
Một cơ sở nữa để kỳ vọng tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm sẽ cao hơn so với đầu năm là sự tăng trưởng ổn định ở lĩnh vực dịch vụ bán lẻ, cùng với sự khởi sắc ở khu vực sản xuất công nghiệp. Doanh số bán lẻ 7 tháng đạt 8,4% (đã loại bỏ yếu tố giá), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (9,4%).
Trong đó, thương mại bán lẻ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung với 7,45%, dịch vụ ăn uống và lưu trú đóng góp 2,4% và dịch vụ lữ hành là 1,65%. “Tăng trưởng doanh số bán lẻ khởi sắc phản ánh cầu tiêu dùng nội địa có nhiều chuyển biến tích cực và là bàn đạp cho tăng trưởng kinh tế cuối năm”, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, Giám đốc điều hành MarketIntello phân tích.
Giá dầu tăng trở lại cũng tạo động lực để triển khai kế hoạch khai thác 1 triệu tấn dầu thô để hỗ trợ tăng trưởng. Giá dầu thô đã có xu hướng quay đầu tăng, vượt mức trên 50 USD/thùng nhờ việc đẩy mạnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng của khối OPEC.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp ở lĩnh vực khai khoáng đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7. Cả hai điều này làm tăng khả năng thực hiện kế hoạch khai thác dầu của Chính phủ để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Trong báo cáo đưa ra giữa tháng 7/2017, MarketIntello nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay lên mức 6,4% và cho rằng, mức tăng trưởng cao hơn chỉ có thể đạt được nếu như Chính phủ thuyết phục được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư về khả năng kiểm soát được rủi ro vĩ mô trong những năm tiếp theo trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng ở mức cao.
Thách thức lớn nhất
Công ty MarketIntello cho rằng, từ nay đến cuối năm, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế trong việc hướng đến mục tiêu nâng tổng mức đầu tư toàn xã hội nhằm đẩy mạnh tăng trưởng chính là bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong tháng 7 tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng tình hình giải ngân và thực hiện nguồn vốn còn chậm.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng của năm nay đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch vốn năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 309 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, nếu so với tổng số vốn kế hoạch năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội (357 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân 7 tháng mới đạt khoảng 33,4%, tương đương cùng kỳ năm trước.
“Sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công chưa quyết liệt, thẩm định phê duyệt các bước của dự án đầu tư chậm sẽ làm cản trở các giải pháp ngắn hạn hướng đến việc tăng tổng đầu tư toàn xã hội lên mức 35% GDP trong năm nay”, TS. Đinh Tuấn Minh bình luận.