Nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ nông nghiệp - nông thôn

Theo Gia Lê/doanhnhansaigon.vn

Trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn là một trong những mũi nhọn kinh tế của nước ta thì các chính sách ưu đãi tín dụng cho khu vực này tiếp tục được triển khai theo các cam kết từ Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cần thiết.

Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đến cuối tháng 12/2018 tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017. Nguồn: internet
Dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đến cuối tháng 12/2018 tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017. Nguồn: internet

Theo số liệu từ Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đến cuối tháng 12/2018 tăng khoảng 21,4% so với cuối năm 2017, và chỉ riêng tháng 1/2019 đã tăng thêm 1%. Trong đó, dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn đối với khu vực ĐBSCL - vựa lúa của cả nước - đến cuối tháng 12/2018 chiếm 17,24% tổng dư nợ nông nghiệp -  nông thôn.

Riêng đối với ngành lúa gạo, năm 2018, dư nợ tín dụng đạt khoảng 99.000 tỷ đồng, tăng 29.789 tỷ đồng, tương đương 43% so với cuối năm 2017. Nếu tính theo số liệu đến cuối tháng 1/2019, thì dư nợ đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, trong đó ĐBSCL đạt 50.000 tỷ, chiếm khoảng 50%.

Từ nhiều năm qua, nông nghiệp - nông thôn là một trong 5 lĩnh vực được hưởng cơ chế khuyến khích phát triển và áp dụng cho vay lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, mức lãi suất này liên tiếp được điều chỉnh giảm trong suốt thời gian qua, hiện chỉ ở mức thấp: 6,5%. Tiếp đến, đầu năm nay, các ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết tiếp tục giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay ở 5 lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài lãi suất, nhà điều hành cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khác cho tín dụng nông nghiệp - nông thôn, như nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cho khoanh nợ, giãn nợ hoặc xóa nợ cho các đối tượng, ngành nghề gặp khó khăn.

Về phía các ngân hàng có tỷ trọng cho vay nông nghiệp - nông thôn cao cũng được hưởng cơ chế ưu đãi tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn quy định chung, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mục tiêu chung, cho phép các tổ chức tín dụng được cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàng có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay.

Mới đây tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày 26/2/2019, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ triển khai thêm nhiều chính sách hỗ trợ, đặc biệt là cho ngành lúa gạo, một trong những thế mạnh xuất khẩu của quốc gia. Được biết, năm 2019 dự báo xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, tương đương năm ngoái.

Ngành ngân hàng cam kết đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ lúa gạo với lãi suất và thời hạn cho vay phù hợp để hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Điều quan trọng là cơ quan quản lý phải dự báo được cung cầu thị trường, định hướng sản xuất và có những cảnh báo cần thiết về nông vụ, thời tiết, dịch bệnh để hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, xây dựng kênh phân phối nhằm hạn chế tình trạng thương lái ép giá.