Tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới:

Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp nông nghiệp

Theo Đan Thanh/daibieunhandan.vn

Hiện, cả nước có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp này đang dần thể hiện vai trò trung tâm, đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp mà nếu không sớm được tháo gỡ triệt để sẽ cản trở sự phát triển của khối doanh nghiệp này, đồng thời khó tận dụng được các cơ hội do các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mang lại.

“Môi trường kinh doanh chưa thuận lợi”

Theo Bộ Công thương, hiện, nước ta gần như hoàn tất việc mở cửa tiếp cận thị trường mới với 12 FTA được ký kết và đang đàm phán. Đặc biệt, với việc tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp.

Cụ thể, đối với CPTPP, khi có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội mở rộng thị trường sang các nền kinh tế tiềm năng khác như Australia, Canada, Mexico cũng như đa dạng hóa các mặt hàng nông sản xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung vào một số mặt hàng chính và một số bạn hàng lớn như trước đây. Còn đối với EVFTA, khi được ký kết, Việt Nam sẽ trở thành một trong các quốc gia đi đầu về xuất khẩu mặt hàng nông sản sang thị trường EU, bởi thuế ngành hàng này nhập khẩu sẽ về 0% trong vòng 7 năm. Những ưu đãi về thuế cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thủy sản mở rộng tiềm năng sang các thị trường xuất khẩu khác cũng như tham gia vào chuỗi giá trị thủy sản toàn cầu.

Hiện, cả nước có khoảng 7.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính cả doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp lĩnh vực khác có đầu tư vào nông nghiệp, hiện có khoảng 49.600 doanh nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, “so với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế thì số lượng doanh nghiệp này còn quá ít, quy mô còn hạn chế”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung bình luận.

Trên thực tế, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện mạnh mẽ trong việc cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục. Song, vẫn còn nhiều rào cản. Minh chứng cho điều này, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Thanh Tâm lấy kết quả điều tra đối với khoảng 500 doanh nghiệp nông nghiệp năm 2017, do VCCI thực hiện. Theo đó, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp này đang gặp phải là tìm kiếm khách hàng (chiếm 55%), tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn (51%) và khó khăn do biến động thị trường (chiếm 40%). Liên quan đến tiếp cận đất đai, có 76% doanh nghiệp cho rằng khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong 2 năm qua…

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung lý giải, “môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự thuận lợi”. Ông phân tích, quá trình hình thành và phát triển của một doanh nghiệp nông nghiệp trải qua nhiều giai đoạn với nhiều hoạt động khác nhau, từ đăng ký doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng đến giải quyết phá sản doanh nghiệp. Quá trình này chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành và địa phương với nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, thậm chí trong một số trường hợp chỉ là công văn, hướng dẫn hoặc thông báo. Riêng với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, hiện nay có khoảng 300 văn bản được ban hành, thực thi bởi ít nhất 10 bộ chuyên ngành khác nhau. Cùng với đó, cách thức quản lý nhà nước vẫn dựa nhiều vào tiền kiểm…

Mặt khác, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với cả hai nguồn lực quan trọng là đất đai và vốn. Cụ thể, về đất nông nghiệp, một số quy định trong Luật Đất đai 2013 đang hạn chế doanh nghiệp tiếp cận đất nông nghiệp, điển hình như những quy định về công tác quy hoạch sử dụng đất hiện nay đang quá chi tiết, hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây khác… Về vốn, doanh nghiệp phản ánh chưa thể tiếp cận được với nguồn tín dụng ưu đãi theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là những chính sách về “gói tín dụng 100.000 tỷ”. Nguyên nhân là do thủ tục phức tạp, điều kiện khó khăn, một số quy định chưa phù hợp với thực tế…

Cho phép tích tụ ruộng đất quy mô lớn

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tận dụng được tối đa cơ hội do các FTA mang lại, việc sớm giải quyết những tồn đọng, rào cản đối với doanh nghiệp là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trong đó, trước tiên, Nhà nước cần rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khi chính quyền địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung kiến nghị, cần tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; đồng thời chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý từ tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% xuống dưới 10%. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận một số nguồn lực quan trọng là đất nông nghiệp và vốn.

Cụ thể, về nguồn lực đất đai, cần cho phép doanh nghiệp được quyền nhận chuyển nhượng có điều kiện quyền sử dụng tất cả các loại đất nông nghiệp từ các hộ gia đình. Điều này đồng nghĩa các doanh nghiệp chỉ được nhận quyền chuyển nhượng khi thỏa mãn một số điều kiện, tiêu chí nhất định do Nhà nước đặt ra như phải có kế hoạch sử dụng đất, phải bảo đảm mục đích sử dụng đất cũng như bảo đảm quy trình sản xuất nông nghiệp và có trụ sở (chi nhánh) gần vùng sản xuất. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp được tích tụ và tập trung ruộng đất quy mô lớn (có thể từ 100ha trở lên), được xây dựng các công trình kiên cố trên một phần diện tích đất nông nghiệp để làm trụ sở, kho bảo quản nông sản…

Về nguồn vốn tín dụng, cần cắt giảm một số thủ tục để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại, chủ lực là ngân hàng thương mại nhà nước phải dành ít nhất 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các ngân hàng để thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất phù hợp.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp. Theo đó, thực hiện tư vấn lập kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp này; thực hiện đa dạng các khóa đào tạo, hội thảo nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp về công tác quản lý, vận hành; phổ biến và hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao hiểu biết, tận dụng có hiệu quả các nội dung của các FTA mà Việt Nam đã ký kết… Chỉ khi làm đồng bộ các giải pháp trên mới mong thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển, tận dụng tối đa cơ hội từ FTA.