Nhiều giải pháp triển khai kết nối Cơ chế một cửa ASEAN
Với nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, Tổng cục Hải quan đã đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thành công cơ chế kết nối này trong giai đoạn tới.
Hoàn thiện hành lang pháp lý
Hiện tại, việc triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN đã được nội luật hóa tại Luật Hải quan số 54/2015/QH13 (Khoản 5, Điều 4) và tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng các thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai giai đoạn vừa qua cho thấy một số vấn đề pháp lý cần phải tiếp tục được hoàn thiện.
Bên cạnh hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin để kết nối toàn diện trên Cơ chế một cửa quốc gia nhằm mục tiêu thực hiện thủ tục hành chính hoàn toàn bằng phương thức điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Từ đó, Cổng thông tin một cửa quốc gia sẽ sẵn sàng về mặt dữ liệu và kỹ thuật để thực hiện trao đổi thông tin không những trong khuôn khổ thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN mà còn đảm bảo sẵn sàng trao đổi dữ liệu và chứng từ điện tử với các đối tác thương mại khác ngoài ASEAN.
Kiện toàn bộ máy điều hành
Với nhiệm vụ là công cụ chính để thực hiện thủ tục hành chính kèm theo sứ mệnh là đảm bảo thuận lợi cho hoạt động thương mại, vận tải quốc tế; tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN không dừng lại ở việc ban hành một hành lang pháp lý và xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin. Cần xác định rằng, việc duy trì, vận hành và phát triển Cơ chế một cửa quốc gia cũng như Cơ chế một cửa ASEAN sẽ dần chuyển thành hoạt động mang tính thường xuyên, liên ngành, phải có cơ chế để điều hành, duy trì và phát triển trong ngắn hạn và cho mục tiêu dài hạn.
Vấn đề này cũng đã được Thủ tướng Chính phủ kết luận tại thông báo số 137/TB-VPCP ngày 16/4/2015 về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan trong đó giao Bộ Tài chính bổ sung thêm nhiệm vụ đối với Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện nhiệm vụ “cải cách toàn diện thủ tục hành chính góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới” (Tiết a, Điểm 6, công văn số 137/TB-VPCP ngày 16/4/2015).
Như vậy, bộ máy điều hành, điều phối thực hiện cần phải được kiện toàn lại cho tương xứng với quy mô, phạm vi của nhiệm vụ theo yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ. Công tác điều hành cũng phải được thực hiện dưới hình thức các bản kế hoạch mang tính tổng thể theo giai đoạn 5 năm bao hàm đầy đủ các nội dung từ mục tiêu dài hạn, cơ chế điều hành, cơ chế tài chính và huy động nguồn lực,... tới kế hoạch phát triển ứng dụng công nghệ thông tin.
Triển khai công tác đào tạo
Để đảm bảo vận hành hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, trước hết, các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và người dân cần có nhận thức chung về nội hàm, mục tiêu, lợi ích mà Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN sẽ mang lại cũng như những thách thức sẽ gặp phải trong quá trình thực hiện. Như vậy, cần triển khai các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn thể cộng đồng. Trên thực tế, mỗi khi các bộ, ngành ban hành quy định mới hoặc triển khai một công cụ/phương thức thực hiện thủ tục hành chính mới thì kèm theo đó bao giờ cũng có các hoạt động tập huấn, đào tạo, tuyên truyền đi theo.
Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN trong giai đoạn vừa qua cũng không nằm ngoài thông lệ này. Tuy nhiên, thông tin thu thập được trong giai đoạn vừa qua cho thấy không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà ngay cả các cơ quan nhà nước cũng khá lúng túng và bỡ ngỡ khi chính thức thực hiện. Nói cách khác, các hoạt động đào tạo, tuyên truyền chưa đến được với đông đảo cộng đồng.
Trong giai đoạn tới, càng cần phải tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động nói trên với các phương thức đa dạng hơn để tiếp cận với cộng đồng một cách kịp thời và đầy đủ.