Nhiều hệ lụy khi doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) làm ăn thua lỗ, phá sản rồi trốn về nước, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Không chỉ cơ quan thuế mất đi hàng chục tỷ đồng, bảo hiểm xã hội bị quỵt tiền mà người lao động cũng rơi vào cảnh bơ vơ, mất lương và quyền lợi bảo hiểm không được đảm bảo.
Đến nay, thực trạng này vẫn tái diễn và cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn. Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan chức năng rất khó phát hiện sớm những doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, chủ doanh nghiệp đang có ý định bỏ trốn về nước. Đa số, trường hợp phát hiện là khi doanh nghiệp đã bỏ trốn. Do đó, ngành thuế cũng như ngân hàng đều không thể thu được tiền nợ trước đó.
Hàng tỷ đồng “chạy” theo chủ doanh nghiệp
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có hàng trăm doanh nghiệp FDI làm ăn thua lỗ, phá sản và bỏ trốn về nước, để lại những khoản nợ thuế, nợ ngân hàng, bảo hiểm và lương công nhân lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Đơn cử, đầu năm 2017, công ty cổ phần Thép Quatron 100% vốn FDI do làm ăn thua lỗ đã bỏ trốn để lại khoản nợ lên đến 100 tỷ đồng và hàng trăm công nhân mất việc, mất toàn bộ quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Công ty TNHH Ado Vina trước khi bỏ trốn nợ 4 tháng lương công nhân, 3 năm đóng bảo hiểm xã hội với số tiền lên đến 1,4 tỷ đồng, một số ngân hàng nước ngoài hơn 1 triệu USD và một hãng bảo hiểm tài chính khác gần 90 tỷ đồng.
Tương tự, tháng 2/2016, công ty Công nghiệp bảo trì dịch vụ tổng hợp ngoài khơi Amanda, 100% vốn FDI, cũng bị phá sản, để lại một khoản nợ hơn 100 tỷ đồng bao gồm lương công nhân, bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng và các công ty tài chính.
Hầu hết những trường hợp làm ăn thua lỗ, bỏ trốn về nước đều không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời, chỉ khi thời hạn nộp thuế, báo cáo thường kỳ, nợ bảo hiểm xã hội quá lâu, bị nhắc nhở bằng công văn nhưng không có phản hồi, cơ quan chức năng xuống kiểm tra mới phát hiện doanh nghiệp đã dừng hoạt động và bỏ trốn.
Nhìn nhận thực trạng này, ông Tưởng thừa nhận: “Một số doanh nghiệp FDI trong quá trình kinh doanh gặp khó khăn, phá sản và bỏ về nước. Nếu phát hiện sự việc trước khi chủ doanh nghiệp về nước thì chúng tôi đề nghị ngừng xuất cảnh nhưng đa số trường hợp đều không phát hiện kịp, ngân hàng cũng không thu được tiền vốn vay”.
Theo các chuyên gia, hệ lụy các doanh nghiệp FDI bỏ trốn để lại ảnh hưởng lớn đến vấn đề an sinh xã hội. Trong đó, vấn đề nổi cộm là việc sắp xếp công việc cho hàng nghìn công nhân.
Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp này vẫn còn nợ lương, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động trong một thời gian dài nên khi chấm dứt hoạt động, người lao động không được thanh toán bảo hiểm xã hội, không có thu nhập trong thời gian tìm việc khác, chưa kể làm xấu môi trường đầu tư của Việt Nam.
Hàng nghìn công nhân bơ vơ
Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn, hạn chế tình trạng này.
Hiện nay, với những trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn về nước, cơ quan thuế chỉ có cách gửi thông báo cho Đại sứ quán tại Việt Nam yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm nộp thuế. Tuy nhiên, việc này vô cùng khó khăn để đòi được tiền thuế cũng như buộc doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình với người lao động.
Bên cạnh đó, khi bỏ trốn, tài sản của những doanh nghiệp này để lại hầu như không còn giá trị nhiều, những tài sản có giá trị đã được doanh nghiệp bán thu vốn về trước đó.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng nghiệp vụ Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết hầu hết những tài sản còn lại của các doanh nghiệp FDI bỏ trốn trên địa bàn không đủ để trả nợ. Đơn cử như tổng tài sản của công ty Quatron chỉ khoảng 60 tỷ đồng, công ty Amanda là 40 tỷ đồng, công ty TNHH Ado Vina khoảng 38 tỷ đồng.
Để giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp FDI bất ngờ bỏ trốn, theo ông Tường, cần sớm có chính sách, chế tài cụ thể để kiểm soát các doanh nghiệp FDI, nhất là năng lực tài chính của nhà đầu tư. Chẳng hạn, có thể phân chia các dự án FDI thành hai luồng. Những dự án kinh doanh nộp thuế đầy đủ cho vào luồng xanh. Dự án có dấu hiệu kinh doanh không hiệu quả, chậm nộp thuế xếp vào “luồng đỏ”.
Các cơ quan chức năng như: Hải quan, thuế, ngân hàng cần liên kết với nhau thường xuyên có số liệu thống kê hàng quý báo cáo lên UBDN tỉnh, thành phố để kiểm soát, hạn chế chủ doanh nghiệp bất ngờ bỏ trốn.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng Việt Nam cần thay đổi chiến lược thu hút FDI, theo hướng chú trọng vào chất lượng hơn số lượng. Trước khi cấp phép cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ về công nghệ, năng lực và dự án chứ không nên cấp phép ồ ạt, tránh phải xử lý hậu quả.